"Kể thù lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt hiện nay không phải là virus này, mà là việc thiếu đi sự lãnh đạo và tinh thần đoàn kết ở cả cấp quốc gia lẫn toàn cầu, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 9/7.
"Chúng ta không thể đánh bại đại dịch với một thế giới chia rẽ. Virus này lớn mạnh dựa trên sự chia rẽ, và bị đẩy lùi khi chúng ta cùng chung tay".
Cũng trong phát biểu của mình, ông Tedros nhấn mạnh rằng tổ chức này có rất ít quyền hạn và phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên. Chính vì thế, "Cách tốt nhất và duy nhất để tiến về phía trước là đi cùng nhau".
Trong thời gian vừa qua, WHO chịu sự chỉ trích nặng nề từ Mỹ trong việc xử lý khủng hoảng mang tên COVID-19.
Ngày 7/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bắt đầu rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Quyết định này sẽ chấm dứt quan hệ giữa Mỹ và WHO cũng như đe dọa đến các khoản tài trợ của Mỹ dành cho tổ chức này.
Quyết định của Mỹ kéo theo nhiều chỉ trích, khiến các chuyên gia lo lắng và khiến Mỹ bất hòa với các đồng minh. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chỉ trích WHO vì cách xử lý Covid-19.
Ngày 9/7, WHO đã tổ chức một hội đồng độc lập để xem xét lại phản ứng của mình trong đại dịch. Cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf sẽ đứng đầu hội đồng trên.
"Nhờ các vị, thế giới sẽ hiểu sự thật về những gì đang diễn ra cũng như giải pháp để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại", ông Tedros tuyên bố.
Trước đó, trong cuộc họp thường niên hồi tháng 5, các nước thành viên WHO đã đồng ý lập ra một cuộc điều tra độc lập nhằm kiểm tra cách phản ứng của WHO trong đại dịch Covid-19, sau một loạt chỉ trích từ Mỹ. Tổng thống Trump đã cáo buộc WHO là "con rối" của Trung Quốc.
Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)