Việc tiêm bổ sung vaccine ngày càng nhiều là "vô đạo đức, không công bằng và cần phải dừng lại," CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
"Việc bắt đầu tiêm bổ sung là điều tệ hại nhất chúng ta có thể làm cho cộng đồng quốc tế. Đó là việc thiếu công bằng, bởi chúng ta sẽ không thể chặn đứng đại dịch khi bỏ qua cả một châu lục, và châu lục đó không có khả năng sản xuất vaccine," ông nói.
WHO đã đề xuất tiêm vaccine bổ sung cho người bị suy giảm miễn dịch, tuy vậy luôn phản đối tiêm bổ sung đại trà toàn dân cho tới khi độ bao phủ tiêm chủng trên thế giới được cải thiện.
Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương đều đã đạt tỷ lệ 50% dân số tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, tuy vậy mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo ông Tedros.
Trong tháng 09, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vaccine bổ sung của hang Pfizer cho một số đối tượng nhất định.
Bên cạnh đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đề nghị các nước trong Liên minh Châu Âu ban hành "khuyến nghị chính thức về tiêm bổ sung vaccine, xét tới các dữ liệu mới được công bố về hiệu quả và an toàn".
EMA cho biết đối với người có hệ miễn dịch hỏe mạnh, có thể tính tới tiêm liều bổ sung vaccine BioNTech/Pfizer "ít nhất sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai". Cơ quan này vẫn đang đánh giá dữ liệu để xem xét khả năng tiêm liều bổ sung vaccine của Moderna.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)