Được thai nghén từ hơn chục năm trước nhằm giúp Nga phát triển “hướng đông”, đường ống chảy qua Mông Cổ sang Trung Quốc là cách đa dạng hoá thị trường bán khí đốt, tăng doanh thu và mang lại cho Điện Kremlin nhiều ảnh hưởng ngoại giao hơn.
Dự án thường được gọi là “Alai” đi qua vùng núi non ở miền Nam Siberia càng có ý nghĩa hơn từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến Mátxcơva phải tìm đầu ra mới để thay thế thị trường châu Âu.
Trở ngại với Mátxcơva là việc Bắc Kinh có vẻ không vội vàng gì.
Financial Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng sự dè dặt đó cho thấy thế thương lượng của Nga đã yếu hơn trong thời chiến, khi phải xử lý các vấn đề với nước láng giềng hùng mạnh hơn.
Một đường ống dẫn khí đốt khác của Nga là Power of Siberia (PS1) được khai thác từ năm 2019 và dự kiến đạt công suất tối đa 38 bcm mỗi năm từ năm 2024. Tuy nhiên, đường ống này phụ thuộc vào việc khai thác các mỏ khí ở Đông Siberia, chưa bao giờ đưa khí đốt sang châu Âu, vì thế cũng không mấy hữu ích cho Nga trong chiến lược đa dạng hoá thị trường.
Ngược lại, dự án PS2 dự kiến sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ vùng Đông Bắc bán đảo Yamal, nơi trước đây từng phục vụ thị trường châu Âu qua nhiều tuyến đường ống, bao gồm Nord Stream. Nord Stream dừng chảy sau mâu thuẫn giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) kể cả trước khi bị tấn công phá hoại năm 2022.
Việc tìm giải pháp thay thế đối với Nga đã chuyển từ một lựa chọn chiến lược sang lựa chọn duy nhất.
“Bắc Kinh thường kéo dài các cuộc đàm phán để đạt được thoả thuận có lợi hơn. Đó là trường hợp khi đàm phán PS1”, Alicja Bachulska, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận xét.
“Khi chiến dịch quân sự ở Ukraine đã biến thành cuộc chiến kéo dài, Bắc Kinh tin rằng vị thế mặc cả của họ với Mátxcơva chỉ có thể mạnh lên”, bà Bachulska nói.
Vì thế, theo chuyên gia này, việc kéo dài thời gian có thể giúp Trung Quốc đạt được mức giá thấp hơn khi mua khí đốt qua đường ống mới.
Đàm phán Nga – Trung về đường ống đã được đẩy mạnh trong những tháng trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
"Trong chuyến thăm Bắc Kinh nhân dịp Olympic, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký hợp đồng 25 năm cho tuyến đường ống viễn đông và chắc chắn đã bàn về PS2”, Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu tại ĐH Columbia, nhận định.
Tuy nhiên từ đó, dù Nga nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng triển khai PS2, Trung Quốc rõ ràng vẫn im lặng. Khi thăm Điện Kremlin hồi tháng 3 vừa qua, ông Tập chỉ nói qua về PS2, còn Tổng thống Putin nhấn mạnh như thể nó đã đàm phán xong.
Để tránh quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp nào, Trung Quốc chủ động ký hợp đồng mua khí đốt lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực sự, Gergely Molnar, một nhà phân tích về khí đốt tại Cơ quan Năng lượng quốc tế, cho biết.
Trung Quốc chỉ phụ thuộc 5% nguồn cung khí đốt từ Nga. PS2 có thể nâng tỷ lệ này lên khoảng 20% vào đầu những năm 2030.
Trung Quốc chắc chắn sẽ thu được lợi ích từ đường ống này. Họ muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình, đặc biệt là nguồn cung cấp trên bộ từ Nga và Trung Á, vốn sẽ an toàn hơn so với các tuyến đường biển trong trường hợp căng thẳng địa - chính trị hoặc quân sự với phương Tây.
Lin Boqiang, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết: “Việc vận chuyển khí đốt qua Nga, thông qua vận tải đường bộ, an toàn hơn so với (Trung Đông) xa xôi”.
Có những phức tạp địa - chính trị trong việc đồng ý với thỏa thuận trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Nhưng một số chuyên gia về chính sách của Trung Quốc tin rằng quan hệ đối tác năng lượng sâu sắc hơn với Nga chỉ là vấn đề thời gian.
Đối với Nga, xây dựng PS2 là cách duy nhất để bù đắp ít nhất một phần thị trường EU mà nước này đã mất. Thị trường châu Âu chiếm phần lớn lượng khí đốt được khai thác ở bán đảo Yamal. Nhưng điều này có nghĩa là chưa có động lực mạnh mẽ nào để Trung Quốc đồng ý triển khai đường ống mới ngay bây giờ.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)