Toan tính chính trị kiểu thực dụng của Nga ở Syria

19/02/2016 10:31:21

Sự kiên nhẫn, tự chủ cùng những toan tính chính trị đầy thực tế đã giúp Nga giành lại vị thế ở Syria, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ và phương Tây ở Trung Đông.

Sự kiên nhẫn, tự chủ cùng những toan tính chính trị đầy thực tế đã giúp Nga giành lại vị thế ở Syria, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ và phương Tây ở Trung Đông.

Máy bay Nga thực hiện một vụ không kích ở Syria. Ảnh: RT

Tháng 10 năm ngoái, khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, tổng thống Mỹ đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga có thể thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông. Tổng thống Obama từng tuyên bố Nga "đang sử dụng hết nhân lực và quân đội chỉ để cố gắng cứu lấy đồng minh duy nhất đang nguy ngập ở Syria".

Hai tháng sau, khi Nga can dự quân sự sâu hơn ở Syria, ông Obama vẫn không tin chiến lược của ông Putin phát huy hiệu quả và nhấn mạnh rằng "như những gì từng xảy ra ở Afghanistan, ông Putin sẽ tiếp tục bị sa lầy vào một cuộc nội chiến không có hồi kết và không mang lại kết quả nào", theo Stratfor.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng có vẻ như ông Obama đã đánh giá thấp chiến lược của Nga ở Syria, đặc biệt là những toan tính chính trị đậm chất thực dụng của Moscow ở khu vực này. Đối với Nga, chiến trường Syria là mảnh đất để họ tìm kiếm cơ hội, nơi sự tự chủ, lòng kiên nhẫn, và khả năng đánh giá đối thủ cho phép Nga trở lại cạnh tranh ngang ngửa với phương Tây.

Theo bà Reva Bhalla, chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Stratfor, nền kinh tế lao đao vì giá dầu lao dốc, bất ổn xã hội gia tăng trong nước và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu là những thách thức lớn với lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, ông Putin đã tỏ ra là một chính trị gia thực dụng lão luyện, với sự tỉnh táo và tài xoay trở khéo léo giúp Nga đối phó được những mối đe dọa lớn.

Trong cuốn "Lịch sử chủ nghĩa thực dụng trong chính trị", sử gia John Bew định nghĩa chủ nghĩa chính trị thực dụng là "đạt được mục tiêu cụ thể bằng mọi phương cách, biết hài lòng với một phần đạt được nếu kết quả hoàn hảo là không thể".

Điều này đã được Tổng thống Putin áp dụng triệt để ở Syria. Khi chiến dịch can thiệp quân sự không thể giúp được quân đội Syria giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất và khó có khả năng ngăn chặn sự mở rộng của phương Tây, Nga đã nhanh chóng thích nghi với những thực tế bất lợi và áp dụng chiến lược hợp lý để đạt được kết quả có lợi khi cơ hội đến.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Bằng các cuộc không kích dữ dội, tạo điều kiện cho quân đội chính phủ Syria và đồng minh bao vây thành phố chiến lược Aleppo của quân nổi dậy, Nga đã tung một đòn khiến cả Mỹ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ phải lao đao.

Trong khi Mỹ lo sợ các nhóm nổi dậy do họ hậu thuẫn sẽ bị xóa sổ ở Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ lại phải đau đầu đối phó với sự trỗi dậy của lực lượng dân quân người Kurd ở phía bắc thành phố này. Sự suy yếu của quân nổi dậy và các nhóm Hồi giáo tạo điều kiện cho dân quân người Kurd có cơ hội kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc tấn công ác liệt vào Aleppo cũng khiến khoảng 100.000 dân Syria tháo chạy đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong hai tuần qua, và con số này có thể gia tăng nhanh chóng theo cấp số nhân nếu thành phố này bị bao vây.

Với thủ tướng Đức Angela Merkel, điều này đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư nữa sẽ đẩy châu Âu lún sâu hơn vào khủng hoảng tị nạn. Các thế lực chính trị theo đương lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng để công kích Berlin, gây bất lợi cho đảng của bà Merkel trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo bà Bhalla, với những động thái quân sự quyết liệt ở Syria, ông Putin đang gián tiếp giáng một đòn đau vào châu Âu trong khi Nga không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng di cư. Với đòn đánh này, Nga sẽ khiến EU lún sâu vào chia rẽ, khó có thể đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề như duy trì các biện pháp trừng phạt Nga hoặc triển khai các căn cứ quân sự lâu dài ở các nước giáp biên giới với Nga.

Dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi trên đường phố châu Âu. Ảnh: Reuters

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, chiến dịch bao vây Aleppo là một đòn tấn công từ nhiều hướng. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu không ảnh hưởng đến Nga, nhưng sẽ tác động sâu sắc đến đồng minh Mỹ.

Trong Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận "Mỹ không ở trong cuộc khủng hoảng nhưng không hề nghĩ rằng mình không bị ảnh hưởng… Mỹ hiểu bản chất của mối đe dọa này sắp xảy ra đối với nền chính trị và hệ thống an sinh xã hội ở châu Âu".

Trên chiến trường Syria, Nga đã và đang dội bom nhiều nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Trên mặt trận ngoại giao, thỏa thuận ngừng bắn được các cường quốc thông qua ở Munich ẩn chứa nhiều lỗ hổng lớn mà Nga có thể khai thác. Thỏa thuận này không thể ngăn cản Nga tiếp tục ném bom quân nổi dậy dưới danh nghĩa "không kích IS", khiến tiếng nói và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria ngày càng sa sút.

Bà Bhalla cho rằng khi tính toán các bước hành động tiếp theo, Mỹ không được phép lặp lại sai lầm và đánh giá đơn giản về chiến lược của Nga. "Mỹ từng chế giễu rằng Nga không rút ra được bài học lịch sử sa lầy ở Afghanistan, nhưng có lẽ trên chiến trường Syria, Mỹ và đồng minh phương Tây mới là bên cần phải rút ra bài học", bà Bhalla nhấn mạnh.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật