Kỳ thi Cao khảo khốc liệt bậc nhất lịch sử
Bắt đầu từ ngày 7/6, 13,42 triệu thí sinh trên khắp Trung Quốc đã chính thức bước vào kỳ thi Cao khảo (gaokao) - kỳ thi tuyển sinh đại học của "đất nước tỷ dân". Kỳ thi Cao khảo 2024 được đánh giá là "khốc liệt bậc nhất trong lịch sử". Vì đây là năm đầu tiên số lượng thí sinh tham gia kỳ thi này vượt mốc 13 triệu người (tăng 510.000 người so với năm trước). Riêng số lượng học sinh thi lại rơi vào khoảng 4,13 triệu người.
Kỳ thi Cao khảo thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm, được xem là cột mốc mang tính quyết định đối với học sinh của đất nước tỉ dân. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những kỳ thi đại học có tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới.
Trong 2 ngày thi chính kéo dài từ 7/6-8/6 (giờ địa phương), thí sinh phải tham gia đầy đủ 4 môn thi. Trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và tiếng Anh. Bài thi còn lại, thí sinh có thể tự chọn các môn trong tổ hợp phù hợp với năng lực là tổ hợp Khoa học tự nhiên (Sinh học, Vật lý, Hóa học) hoặc tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Chính lý).
Trong 2 ngày thi, trên mạng xã hội Trung Quốc, những từ khóa về kỳ thi Cao khảo đều nhận được lượt truy cập khổng lồ, top đầu trên các trang thông tin của Trung Quốc với độ thảo luận rất cao. Điều này cho thấy, Cao khảo không chỉ là nỗi niềm quan tâm chung của học sinh và phụ huynh có con tham dự kỳ thi trong hôm nay mà còn là của toàn người dân đất nước tỷ dân.
Để đáp ứng với như cầu của thực tiễn, cùng với đó là tăng độ phân hóa, đề thi đại học năm nay sẽ được thay đổi về hình thức, cách ra đề từ "kiểm tra kiến thức" sang "kiểm tra năng lực và phẩm chất". Theo "Báo cáo Kỳ thi Đại học Trung Quốc", đề thi đại học năm nay của đất nước tỷ dân chú trọng đến việc đề cao kỹ năng tư duy phản biện, tăng cường kiểm tra chất lượng tư duy đặc biệt là khả năng hình thành và quy chuẩn hóa tư duy. Điều này đòi hỏi học sinh phải có tư duy linh hoạt hơn và có khả năng giải quyết vấn đề thực tế hơn.
Cùng với số lượng thí sinh cao kỷ lục, kỳ thi Cao Khảo năm nay còn đánh dấu lần đầu tiên 7 tỉnh của Trung Quốc thực hiện cải cách Cao khảo, đó là Hắc Long Giang, Cam Túc, Cát Lâm, An Huy, Giang Tây, Quý Châu, Quảng Tây. Được công bố vào năm 2021, các chính sách của kỳ thi được sửa đổi nâng cao tính linh hoạt trong việc lựa chọn các môn học ngoài các môn cốt lõi là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh.
Giờ đây, sĩ tử có thể chọn giữa Vật lý và Lịch sử, cũng như 2 môn tự chọn bổ sung trong các môn Hóa học, Sinh học, Chính trị hoặc Địa Lý. Trước đây khi tham dự kỳ thi Cao khảo, học sinh theo các lộ trình học tập riêng biệt: Thí sinh nhân văn tập trung vào môn Chính trị, Lịch sử và Địa lý, trong khi thí sinh khoa học chú trọng môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Cả đất nước hướng về kỳ thi
Không ngoa khi nói rằng không khí thi cử đã bao trùm cả đất nước Trung Quốc những ngày vừa qua. Trong ngày thi Cao khảo đầu tiên, không chỉ các sĩ tử mang tâm trạng lo lắng, căng thẳng mà nhiều gia đình cũng cùng chung cảm xúc không kém con em mình. Tại các điểm trường thi ở Trung Quốc, không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh đứng đợi con đi thi hàng giờ giữa tiết trời nắng nóng, hay mưa bão lớn.
Ngoài ra, tại nhiều trường Phổ thông, nhà trường đã tổ chức hàng loạt hoạt động cổ vũ tinh thần cho các sĩ tử thi Đại học như phát đồ ăn và nước uống miễn phí; học sinh khóa dưới và thầy cô biểu diễn tiết mục văn nghệ; trường thuê xe để vận chuyển học sinh đến điểm trường, nhằm tránh rủi ro thí sinh đến muộn giờ thi.
Trong ngày hôm nay, nhiều học sinh Trung Quốc chia sẻ đã nhận được "đặc quyền" khi trở thành thí sinh của Cao khảo, chẳng hạn được miễn tiền ăn trưa tại một số quán, được hưởng chế độ "ba ưu tiên" (tức là thí sinh và phụ huynh đi tàu điện ngầm đến địa điểm thi, được "ưu tiên mua vé, ưu tiên kiểm tra an ninh và ưu tiên vào ga trước),...
Trong 4 ngày diễn ra kỳ thi Cao khảo, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã khởi động chế độ "bảo vệ kỳ thi" và "chế độ im lặng" để tạo môi trường làm bài tốt nhất cho thí sinh. Ở nhiều khu vực, lực lượng chứng năng như cảnh sát tuần tra, cảnh sát, lính cứu hoả, nhân viên y tế và đội tình nguyện viên đã túc trực tại nhiều điểm thi để hỗ trợ hết mức cho sĩ tử. Trong giờ thi chính thức, một bộ phận lực lượng tuần tra, cảnh sát và lính cứu hỏa được cử đi các tuyến phố nhằm giữ gìn sự yên tĩnh, trong khi bộ phận khác thì túc trực xung quanh điểm thi nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực thi cử.
Chẳng hạn, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, trong phạm vi 500m xung quanh các địa điểm thi, chính quyền địa phương yêu cầu dừng tất cả các hoạt động xây dựng gây tiếng ồn, hoạt động sửa chữa trong nhà, phát quảng cáo thương mại, loa phát thanh văn hóa và giải trí, còi xe cơ giới và các hoạt động gây tiếng ồn khác, nhằm đảm bảo không gian yên tĩnh cho các thí sinh khi làm bài thi. Hay cảnh sát giao thông công an tỉnh Tứ Xuyên yêu cầu trong suốt kỳ thi diễn ra, các cơ quan quản lý giao thông công an tỉnh thực hiện nghiêm túc hệ thống túc trực 24/24 giờ và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp.
Theo Nguyệt (Nguoiduatin.vn)