"Một trong những lý do khiến văn phòng công tố đề xuất yêu cầu bắt là cần tiếp tục điều tra, nhưng lệnh bắt trước đó đã được công bố khi Assange tị nạn trong đại sứ quán Ecuador, còn giờ đây ông ta đang thụ án ở Anh", thẩm phán tòa án quận Uppsala, Thụy Điển hôm 3/6 tuyên bố, đề cập đến yêu cầu bắt người sáng lập WikiLeaks Julian Assange của các công tố viên nước này.
Phán quyết của tòa là một thất bại đối với công tố viên, những người đang hy vọng tòa sẽ ban hành lệnh bắt toàn châu Âu đối với Assange và yêu cầu dẫn độ ông từ Anh sang Thụy Điển. "Tòa đồng ý với các công tố viên rằng Assange có thể là mối đe dọa hàng không nhưng việc bắt giam là không hợp lý", thẩm phán cho biết thêm.
Cáo buộc cưỡng hiếp là một trong 4 cáo buộc về tấn công tình dục mà Assange phải đối mặt sau chuyến thăm Thụy Điển tháng 8/2010. Vụ án chưa bao giờ vượt khỏi giai đoạn điều tra và Assange cũng chưa từng bị buộc tội tại quốc gia này.
Cuộc điều tra của công tố viên Thụy Điển là lý do Assange tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London, Anh gần 7 năm. Tháng 8/2015, thời hạn của ba trong 4 cáo buộc hết hiệu lực. Theo luật pháp Thụy Điển, mọi cáo buộc liên quan đến hiếp dâm đối với Assange phải được đưa ra trước tháng 8/2020. Cuộc điều tra về cáo buộc cưỡng hiếp được cho là đã bị đình chỉ vào năm 2017 do Assange tị nạn trong đại sứ quán.
Thẩm phán nói rằng để kết thúc cuộc điều tra, các công tố viên có thể ban hành Lệnh Điều tra Châu Âu. Điều này sẽ giúp họ có thể thẩm vấn Assange và kết thúc cuộc điều tra. Công tố viên cho biết cuộc điều tra sẽ tiếp tục bất chấp phán quyết của tòa, song không cung cấp chi tiết nào về các bước tiếp theo.
Per E Samuelson, luật sư của Assange, hôm 3/6 cho biết thân chủ của ông bác bỏ các cáo buộc và cũng cho rằng việc bắt là không hợp lý. Samuelson nói thêm rằng Assange "luôn muốn hợp tác" với cuộc điều tra và không có gì để che giấu.
Assange, công dân Australia, sáng lập tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên công bố các thông tin mật Wikileaks vào năm 2006. WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.
Assange bị cảnh sát Anh bắt hôm 11/4 sau khi Ecuador hủy cơ chế tị nạn chính trị cho ông và sau đó bị tuyên án tù 50 tuần vì vi phạm quy định tại ngoại. Ông chủ Wikileaks cũng đang đối mặt 18 tội danh tại Mỹ, trong đó có ba tội lấy thông tin quốc phòng và 13 tội tiết lộ thông tin quốc phòng.
Theo Huyền Lê (VnExpress.net)