Tòa án Ấn Độ đổ lỗi nạn nhân đã "lăng nhăng" khi hút thuốc, uống bia và không kể cho bố mẹ nghe về chuyện bị cưỡng bức.
Biểu tình phản đối nạn hiếp dâm ở Ấn Độ. Ảnh: Independent. |
Hai thẩm phán của hai tòa án tối cao bang Punjab và Haryana đã đồng ý cho ba sinh viên trường Luật Jindal được bảo lãnh. Đây là một trường tư thục dành cho tầng lớp giàu có, Independent hôm 26/9 đưa tin.
Hồi tháng 3, ba người này bị một tòa án cấp dưới kết án tội đe dọa và cưỡng hiếp một sinh viên nữ. Hardik Sikri và Karan Chhabra bị kết án 20 năm, Vikas Garg bị kết án 7 năm. Ba người đã kháng án lên tòa cấp cao và được chấp thuận.
Theo hồ sơ, người phụ nữ và Sikri có quan hệ tình cảm trong tháng 11/2013, sau đó cô này muốn chia tay. 18 tháng tiếp theo, Sikri đã sử dụng ảnh khỏa thân của bạn gái để uy hiếp và cưỡng bức cô này, đồng thời ép nạn nhân phải quan hệ tình dục với hai người bạn của anh ta. Sikri và Chhabra đã cùng nhau thực hiện một vụ cưỡng bức tập thể, theo BBC.
Thẩm phán Mahesh Grover và Raj Shekhar Attri buộc tội cô gái "có thái độ lăng nhăng và sa đọa" khi uống bia, hút thuốc, dùng cần sa, để bao cao su trong phòng.
Các thẩm phán đã đưa ra 5 lý do để cho phép bảo lãnh thủ phạm, như đây là những sinh viên "có học vấn cao", danh dự gia đình thủ phạm, "nhân cách" của người phụ nữ hay việc cô không báo cho bố mẹ biết việc bị cưỡng bức.
Truyền thông Ấn Độ gọi bản án là "ví dụ tồi tệ nhất về việc nhạo báng nạn nhân". Bạn bè cô gái đã ký vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu thu hồi bản án, với hơn 4.500 người ký tên.
Họ cho rằng bản án càng làm tồi tệ hơn tình trạng hiếp dâm phụ nữ, khi "tuyên truyền cho thế hệ trẻ rằng nếu cứ uống rượu và hút thuốc", họ không thể kỳ vọng vào hệ thống công lý, "ngay cả khi bị cưỡng hiếp và hăm dọa".
Trong xã hội trọng nam khinh nữ, phụ nữ Ấn Độ thường bị buộc tội mời gọi "cưỡng hiếp và hành hung", bị đổ lỗi nếu mặc váy ngắn hay quần jean, có bạn trai, đi chơi khuya hoặc thậm chí là nói chuyện qua điện thoại.
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)