Những người thuộc bộ lạc Drokpa sống ở các ngôi làng nhỏ thuộc vùng Ladakh, nằm giữa khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Bộ tộc Drokpa có dân số khoảng 2.500 người, sống dọc theo sông Indus ở vùng Jammu và Kashmir ở miền bắc Ấn Độ có những nét văn hóa truyền thống khá kỳ lạ.
Drokpa có nghĩa là người Aryan hoặc người da trắng ở Ladakh. Được biết, ước tính khoảng còn 3000 người Drokpa được cho là con cháu của các binh sỹ trong quân đội Hy Lạp xưa, thuộc dưới quyền của Alexander Đại đế. Đây là những người lính đã bị lạc trong quãng thời gian những năm 300 Trước Công nguyên khi Alexander Đại đế chinh phục châu Á.
Phụ nữ Drokpa mặc trang phục truyền thống. |
Từ xa xưa, người Drokpa có truyền thống hôn nhau giữa đám đông và đổi vợ tự do mà không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mọi người. Trong bộ tộc, nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ đứng xếp thành hàng rồi hôn nhau một cách tự nhiên và nóng bỏng mà không cần quan tâm đến tình trạng hôn nhân của mình cũng như đối phương. Anh trai có thể chia sẻ vợ cho em ruột để tránh phân chia tài sản.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ Leh lên cầm quyền, tập tục kỳ lạ này đã bị cấm do bị cho là hành vi không văn minh đối với người dân “đô thị”. Kể từ đó đến nay, bộ tộc Drokpa chỉ duy trì văn hóa hôn và đổi vợ trong nội bộ cộng đồng và khi không có người ngoài.
Trang phục truyền thống của bộ tộc Drokpa sử dụng len làm chất liệu chính. Đàn ông ở đây mặc áo len rộng cùng với quần len cạp cao. Trong khi đó, trang phục dành cho phụ nữ là những chiếc váy len được làm thủ công từ các loại vỏ, hạt và đồ trang sức bạc. Cuối cùng, mũ da dê chính là món đồ không thể thiếu để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh. Chúng được trang trí tỉ mỉ bằng nhiều loại hoa, đồng xu và vỏ sò, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của bộ tộc vùng Ladakh này.
Người phụ nữ luôn trang điểm thật đẹp để thu hút bạn đời và được đàn ông lựa chọn cầu hôn. |
Có hai giả thuyết về nguồn gốc của bộ tộc Drokpa. Thứ nhất, các nhà sử gia cho rằng, những thế hệ người Drokpa đầu tiên là một nhóm của quân đội Alexander. Sau cuộc chiến tranh Porus vào năm 326 trước công nguyên, họ lạc mất phương hướng để trở về Hy Lạp. Họ tới Dhahnu rồi định cư tại đó vì đây cũng là thung lũng màu mỡ nhất vùng Ladakh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng Drokpa có nguồn gốc từ nhóm người Dards di cư từ dãy núi Hindukush (thuộc Gilgit Baltistan, nay là lãnh thổ Pakistan) đến phía tây Ladakh hàng thế kỷ trước. Đây là bộ tộc mang đậm nét đặc trưng của nền văn hoá bản địa Aryan.
Vùng đất mà người Drokpa đang sinh sống không thuộc về sở hữu cá nhân, vì vậy họ phải chi trả bằng tiền mặt, bơ, phô mai hoặc gia súc. Trước đây, để chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, người Drokpa xây dựng nhà bằng đá. Hiện đại hóa đã mang đến cho họ những ngôi nhà kiên cố hơn. Tuy nhiên, điện sử dụng ở đây còn hạn chế và đời sống của họ phụ thuộc nhiều vào năng lượng mặt trời.
Âm nhạc, đồ trang sức, rượu lúa mạch là những sở thích của người Drokpa. |
Cuộc sống ở đây dễ dàng và tự do hơn so với hầu hết bộ lạc cổ xưa và nhiều vùng nông thôn khác. Người Drokpa trồng hoa quả và rau trong những khu vườn trù phú. Thức ăn chủ yếu là tsampa (bột lúa mạch rang) và sữa yak. Nông sản là nguồn thu nhập và niềm tự hào chính của họ.
Âm nhạc, đồ trang sức, rượu lúa mạch là những sở thích của người Drokpa. Nền văn hóa phong phú của bộ lạc còn được thể hiện qua những trang phục hay món đồ trang trí tinh tế khoác lên người vào dịp lễ hội. Có thể nói, thời trang đóng vai trò quan trọng trong văn hóa tại đây. Bởi vậy, người phụ nữ sẽ trang điểm bản thân hấp dẫn để thu hút bạn đời và được đàn ông cầu hôn.
Đàn ông Drokpa trong trang phục truyền thống. |
Người Drokpa có vẻ bề ngoài khác biệt với các tộc người khác. Họ sở hữu vóc dáng cao, làn da trắng, gò má cao, mũi thẳng và mắt sáng màu. Ngoài ra, một số người còn có mái tóc màu vàng. Ngày nay, xu hướng kết hôn ngoại tộc đang ảnh hưởng tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống của bộ tộc. Nhiều người lo ngại bộ tộc này sẽ dần biến mất.
Các ngôi làng của người Drokpa xa xôi và hẻo lánh. Du khách chỉ có thể tới đây bằng đường bộ thông qua thị trấn Leh, khu vực Jammua và Kashmir.
Nguồn: Daily Mail
Theo Thảo Nguyên (Kienthuc.net.vn)