Ngã rẽ nguy hiểm
Bản chất và nhịp độ của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi trong những tuần gần đây khi các bên tham chiến thay đổi chiến thuật. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, cuộc giao tranh tại Ukraine đã bất ngờ chuyển hướng từ một trận chiến pháo binh dữ dội dọc các chiến tuyến, dự kiến kéo dài đến mùa Đông sang một cuộc xung đột đa cấp độ, leo thang nhanh chóng và thách thức chiến lược của Mỹ, Ukraine và Nga.
Việc Nga phát động một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa mà Moscow cho là nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine ở hơn 10 thành phố xa chiến tuyến đã khiến Kiev và nhiều nước phương Tây bất ngờ. Cuộc tấn công này là diễn biến mới nhất trong một loạt diễn biến xảy ra thời gian gần đây. Từ việc Ukraine tiến hành phản công và đạt được một số bước tiến trên chiến trường đến lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin, vụ đánh bom xe trên cầu Crimea. Tất cả đã làm thay đổi bản chất và nhịp độ của cuộc xung đột, đồng thời khiến Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với câu hỏi liệu có cần tiến xa hơn khái niệm giúp Ukraine tự vệ.
Cho đến nay, nỗ lực viện trợ vũ khí của Mỹ dành cho Ukraine đã được cân nhắc và định hướng theo một quy trình phù hợp để không làm ảnh hưởng đến ưu tiên cao nhất của Washington là tránh cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Ưu tiên này có thể sẽ là một phần trong chương trình nghị sự tại cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo G7 vào ngày 11/10 và cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào cuối tuần này.
Nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ tiếp tục bày tỏ sự thận trong trước những diễn biến xảy ra quá nhanh trong những ngày qua. “Những bước ngoặt trong chiến tranh thường là những ngã rẽ nguy hiểm. Bạn không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra”.
Các quan chức Nga cũng nêu bật bước ngoặt mới của nước này trong cuộc xung đột. Trong bài bình luận trên Telegram ngày 10/10, ông Viktor Bondarev – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga cho biết, cuộc tập kích tên lửa nhằm vào một loạt thành phố ở Ukraine đánh dấu sự khởi động của “một giai đoạn mới trong” chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và Nga sẽ có nhiều hành động kiên quyết hơn trong thời gian tới.
Phát biểu trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Putin tuyên bố, cuộc tấn công bằng tên lửa là hành động đáp trả cái mà ông cho là “chủ nghĩa khủng bố của Ukraine”, đặc biệt sau vụ đánh bom xe trên cầu Crimea – tuyến đường hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine.
Trấn an phe cứng rắn ở Nga
Sau cuộc tấn công, một số nhân vật chính trị cứng rắn tại Nga tuyên bố quân đội cuối cùng đã hoàn thành công việc của họ. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, ông Ramzan Kadyrov viết trên Telegram rằng “ông hài lòng 100% với nỗ lực của quân đội”. Những người khác gợi nhắc lại tuyên bố của ông Putin hồi tháng 7 rằng Nga vẫn chưa “bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm trọng ở Ukraine”. “Và bây giờ, có vẻ như mọi thức đã bắt đầu”, Olga Skabeyeva – người dẫn chương trình truyền hình của Nga nhấn mạnh.
Một số nhà phân tích nhìn nhận, vụ tập kích tên lửa là dấu hiệu cho thấy áp lực trong nước đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gia tăng đến mức ông Putin cảm thấy việc phải hành động mạnh mẽ hơn là điều cần thiết, không chỉ để trấn an các nhân vật cứng rắn trong nước mà còn gửi thông điệp tới Mỹ và phương Tây. Greg Yudin, giáo sư triết học chính trị tại Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Moscow, cho rằng những người theo chủ nghĩa cứng rắn ở Nga đã thúc đẩy chiến lược này trong một thời gian dài. Sau vụ nổ trên cầu Crimea, nhiều nhân vật chính trị hối thúc ông Putin tăng cường thực hiện các hoạt động quân sự bằng cách nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Một số nhà lập pháp Nga kêu gọi ông Putin sử dụng thuật ngữ “chiến dịch chống khủng bố” thay cho “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Sergei Markov - cựu nghị sĩ đảng Nước Nga Thống nhất cho rằng, “vụ tấn công khủng bố” trên cầu Kerch là bằng chứng cho thấy “Mỹ và chính quyền Ukraine sẽ ngày càng lấn tới ranh giới đỏ”.
Abbas Gallyamov, một nhà phân tích chính trị người Nga lưu ý: “Xét theo quan điểm chính trị tại Nga, việc tiến hành một cuộc tấn công như vậy là điều quan trọng, nhằm chứng minh cho giới tinh hoa thấy rằng, ông Putin không chấp nhận lùi bước trước bất cứ mối đe dọa nào và quân đội Nga vẫn bảo toàn được sức mạnh”.
Tuy nhiên, bước đi quyết liệt này cũng có thể gây ra một số rủi ro nhất định đối với ông Putin bởi nó có thể khiến cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng leo thang và phe cứng rắn tại Nga có thể gia tăng sức ép khiến ông phải hành động mạnh tay hơn nữa trong trường hợp Ukraine phát động những cuộc tấn công mới hoặc giành thêm một số lãnh thổ mới từ tay Nga.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột leo thang rộng hơn. Hồi cuối tuần qua, ông đã bổ nhiệm Sergey Surovikin - viên tướng kỳ cựu tại mặt trận Syria, sẽ đảm nhận trách nhiệm chỉ huy toàn bộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Belarus – đồng minh thân cận nhất của Nga cũng tuyên bố rằng hàng nghìn binh sĩ Nga sẽ sớm đến nước này để thành lập lực lượng chung với Belarus - tạo ra mối đe dọa mới đối với miền Bắc Ukraine.
Vladimir B. Pastukhov, một nhà khoa học chính trị và luật sư người Nga, cho rằng, những bước đi mới nhất của Tổng thống Putin “dường như trái ngược với trực giác của chính ông ấy” và hạn chế các lựa chọn đối với ông.
Cần phải nhắc lại rằng trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Putin không trực tiếp cáo buộc phương Tây đứng sau hoặc Ukraine là thủ phạm chính của cuộc tấn công cầu Crimea. Sự thay đổi này là một tín hiệu có thể cho thấy nhà lãnh đạo Nga quan tâm đến kiểm soát leo thang căng thẳng và ông không có ý định kích động một cuộc xung đột trực tiếp với NATO.
Ông Pastukhov, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Đại học London, cho rằng: “Tất cả hành động mà ông Putin đang thực hiện ở thời điểm hiện tại là nhằm tránh một tình huống mà ở đó chỉ có lối thoát duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, điều đó cũng gây ra một số rủi ro nhất định”.
Cùng chung quan điểm này, Rose Gottemoeller - cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí lưu ý: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân là lựa chọn cuối cùng giống như bạn đang đi vào ngõ cụt và không có đường lui. Đó cũng sẽ là lần ném xúc xắc cuối cùng”.
Với cuộc tập kích tên lửa vào một loạt thành phố của Ukraine ngày, ông Putin nhiều khả năng đang cố gắng giành lại thế chủ động, chứng tỏ sự thống nhất trong chiến lược của Nga, tránh một tình huống mà Nga có thể sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân đồng thời gửi đi thông điệp cứng rắn với Mỹ, phương Tây – những nước viện trợ vũ khí không ngừng nghỉ cho Ukraine thời gian qua./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)