Vụ án gián điệp gây tranh cãi
Năm 1949, người Mỹ choáng váng trước thông tin Liên Xô đã thử thành công bom nguyên tử. Bằng nhiều cách, người Mỹ biết được sở dĩ Liên Xô có bước tiến đột phá đó là do gián điệp đánh cắp tài liệu tuyệt mật liên quan đến chương trình chế tạo bom của Washington. Ngay lập tức, một cuộc điều tra toàn diện được triển khai. Một trong số mắt xích của đường dây là David Greenglass, cựu quân nhân từng làm việc trong cơ sở hạt nhân của Mỹ ở New Mexico.
Greenglass khai ra 2 cái tên, đó là chị gái và anh rể của ông ta - Julius Rosenberg và Ethel Rosenberg. Theo các tài liệu, Julius và vợ đều là những người có tình cảm mạnh mẽ với Liên Xô. Julius Rosenberg được tình báo Liên Xô tuyển mộ vào năm 1942. Từ lời khai của Greenglass, nhà khoa học gốc Do Thái Julius bị FBI bắt giữ vào ngày 17-7-1950. Ba tuần sau bà Ethel Rosenberg cũng bị tống giam. Phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg đã thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận Mỹ mà còn cả thế giới. Họ bị gán cho biệt danh “tội ác thế kỷ”. Ngày 5-4-1951, cả 2 bị tuyên án tử hình, trở thành là những người Mỹ đầu tiên bị xử tử vì tội danh làm gián điệp. Cả 2 đã nhiều lần kháng cáo nhưng đều bị bác bỏ. Một chiến dịch vận động kêu gọi giảm án cho vợ chồng Rosenberg cũng lan rộng, nhưng vô ích.
Vợ chồng Rosenberg bị đưa ra xét xử đúng vào giai đoạn căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, quan hệ Liên Xô - Mỹ rơi vào thế đối địch. Trong khi đó, ở nước Mỹ, chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng lớn mạnh. Đây cũng là vụ án gây nhiều tranh cãi nhất thời Chiến tranh Lạnh với nhiều tình tiết phức tạp, từ hoạt động bí mật của các điệp viên, sự phản bội của người thân cho đến việc vợ chồng nhà khoa học Do Thái khăng khăng chối tội tới tận khi bị hành hình cũng như những bí mật được tiết lộ hàng chục năm sau đó. Đến nay, 2 người con trai của vợ chồng nhà khoa học Rosenberg là Robert và Michael (từng được đặt biệt danh “Những đứa trẻ mồ côi nổi tiếng nhất Chiến tranh Lạnh”) vẫn tích cực vận động đòi xét lại bản án của cha mẹ họ. Đặc biệt, vai trò của bà Ethel Rosenberg là nội dung tranh cãi của các nhà sử học và con trai của bà trong nhiều năm.
Tài liệu giải mật mới công bố
Sau khi vợ chồng nhà khoa học Rosenberg phải thi hánh án tử hình ngày 19-6-1953, các con trai của họ mới 7 và 11 tuổi đã được nhận nuôi, đổi tên thành Robertho Meeropol và Michael Meeropol. Ông Robert nhớ lại việc phải chịu đựng sự chế giễu của mọi người đến mức họ phải đổi họ và sau đó biến mất khỏi tầm mắt công chúng. “Thật vô cùng khó khăn. Là con của Ethel và Julius Rosenberg, những người đã bị xét xử vì tiết lộ bí mật về bom nguyên tử cho Liên Xô trong thời kỳ ấy cũng giống như con của Osama Bin Laden sau ngày 11-9 vậy” - ông Robert Meeropol nói.
Tuy nhiên, anh em ông nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ nuôi cùng nhiều người khác để vượt lên nghịch cảnh. Đầu tháng 9-2024, anh em họ đã nhận được phản hồi cho yêu cầu theo Đạo luật Tự do thông tin năm 2022, bao gồm 1 bản ghi nhớ do chuyên gia giải mã hàng đầu của Mỹ là Meredith Gardener (ông là một nhà ngôn ngữ học và chuyên gia giải mã của Cục An ninh quốc gia - NSA) viết. Bản ghi nhớ viết tay của Meredith Gardner trích dẫn các thông tin liên lạc đã giải mã của Liên Xô kết luận rằng, bà Ethel Rosenberg biết về công việc gián điệp của chồng mình (ông Julius) “nhưng do sức khỏe yếu nên bà không tham gia vào công việc đó”. Đây là bản ghi nhớ được viết ra nhiều tháng trước khi bà Ethel Rosenberg ra tòa cùng chồng.
Cụ thể, bản ghi nhớ viết tay đề ngày 22-8-1950, được viết hơn 1 tuần sau khi bà Ethel Rosenberg bị bắt. Theo đó, ông Julius Rosenberg mật danh là “Antenna” hay “Liberal”, có vỏ bọc là kỹ sư xây dựng, nhưng thực chất chuyên tuyển mộ điệp viên cho tình báo Liên Xô. Trong một đoạn riêng có tiêu đề “Bà Julius Rosenberg”, tài liệu đã giải mã nói rằng Ethel Rosenberg là một “đảng viên” và “người vợ tận tụy”, biết về công việc của chồng mình nhưng không tham gia. Từ tài liệu này có thể thấy, Chính phủ Mỹ đã biết bà Ethel Rosenberg không phải là gián điệp, nhưng vẫn kết án và hành quyết bà như một hình thức răn đe và giải tỏa áp lực công chúng.
Lời khai của người em trai
Các góc khuất của vụ án về vợ chồng nhà khoa học Rosenberg lần đầu tiên được hé lộ vào năm 1995, khi CIA giải mật hồ sơ lưu trữ từ năm 1939. Theo đó, ông bà Rosenberg không trực tiếp chuyển những bí mật vũ khí nguyên tử cho tình báo Liên Xô, dù làm rò rỉ nhiều tài liệu quan trọng về công nghệ hàng không. Các bức điện tín của Liên Xô đã được giải mã cho thấy, bà Ethel không giống như chồng, không được cấp mật danh. Ông Gardner cũng có bản ghi nhớ đề cập rằng, bà Ethel “không làm việc”, ám chỉ về hoạt động gián điệp.
Thêm vào đó, gần nửa thế kỷ sau khi chị gái và anh rể bị tử hình, David Greenglass thú nhận ông ta đã đưa ra lời khai gian dối để cứu vợ khỏi nguy cơ bị truy tố chứ hoàn toàn không chắc chắn chị gái mình có tham gia vào hoạt động gián điệp hay không. Trong phiên tòa xét xử vợ chồng Rosenberg và các đồng phạm năm 1951, Greenglass khẳng định đã bị anh rể Julius lôi kéo tham gia vào hoạt động gián điệp. Ông nói trước tòa rằng đã cung cấp cho Rosenbergs dữ liệu nghiên cứu mà ông có được khi làm thợ máy của quân đội tại Los Alamos (bang New Mexico), trụ sở của Dự án Manhattan, nơi sản xuất vũ khí nguyên tử đầu tiên. Từ tháng 1-1945, ông ta lén ghi chép các tài liệu tiếp cận được và chuyển cho Julius để đổi lấy tiền. Ông cũng cho biết đã nhìn thấy em gái mình sử dụng máy đánh chữ cầm tay tại nhà để đánh máy các ghi chú viết tay rồi đưa cho Liên Xô. Ông này đã bị truy tố với tư cách là đồng phạm và phải ngồi tù 10 năm.
Trái ngược với những lời khai bất lợi nói trên, năm 2015 theo yêu cầu của các nhà sử học, lời khai bí mật của Greenglass trước bồi thẩm đoàn đã được công bố sau khi ông này qua đời. Greenglass nói với bồi thẩm đoàn rằng, Julius Rosenberg bảo ông nên tiếp tục phục vụ trong quân đội để có được nguồn cung cấp thông tin. Nhưng khi được hỏi liệu em gái ông có kiên quyết như vậy không, ông trả lời: “Tôi đã nói rồi và nói lại một lần nữa, đây là sự thật: Tôi chưa bao giờ nói chuyện với em gái mình về điều này”.
Gia đình Meeropol tin rằng, bản ghi nhớ mới công bố chắc chắn sẽ được FBI xem xét, coi đó là bằng chứng rõ ràng để hối thúc Tổng thống Joe Biden ban hành tuyên bố giải oan cho bà Ethel Rosenberg. Ông Robert Meeropol (77 tuổi) cho biết, việc công bố bản ghi nhớ là kết quả của nhiều thập kỷ nỗ lực nhằm minh oan cho mẹ ông. Khi còn nhỏ, năm 1953 anh em ông đã đến Nhà Trắng trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Tổng thống Dwight Eisenhower ngăn chặn việc hành quyết cha mẹ mình. Thế nhưng, nỗ lực đó bất thành. “Tôi vô cùng nhẹ nhõm khi công bố điều này khi vẫn còn sống. Bởi trong một thời gian dài, tôi đã không nghĩ mình sẽ sống sót để chứng kiến điều đó” - ông nói. Còn ông Michael Meeropol (81 tuổi) cho biết, ngay từ năm 1973, em trai ông đã thề vài năm sau sẽ làm sáng tỏ vụ án. Từ năm 1973 đến nay là một khoảng thời gian rất dài, nhưng ít ra họ không nhụt chí và đã tìm được chứng cứ quan trọng để khép lại câu chuyện thế kỷ này.