Ba ngày Tết Tân Sửu vừa qua là những ngày đỉnh điểm mùa đông khắc nghiệt, kéo dài từ miền Trung đến miền Nam nước Mỹ, với trung tâm là tiểu bang Texas, khi nhiệt độ rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua: 0 độ F (-18 độ C).
Cái lạnh này ở miền Đông Bắc nước Mỹ có thể là bình thường nhưng với các tiểu bang miền Nam nước Mỹ nói chung, Texas nói riêng thì gần như không thể chịu đựng nổi bởi người dân quen sống ở vùng sa mạc khí hậu nóng ẩm. Texas là tiểu bang điển hình có mùa bão nhiệt đới xảy ra trung bình từ tháng 8 đến tháng 10, đó là các trận bão mưa kéo dài nhiều ngày gây nên những trận lụt mênh mông nhưng TP ứng phó tốt vì vốn có hệ thống thoát nước hoàn hảo. Tuy nhiên, nó khác hoàn toàn với một trận bão tuyết kỷ lục mà bạn chỉ có thể chứng kiến 1 đến 2 lần trong đời. Bà Vy, một kiến trúc sư về hưu sống tại khu người Việt Bellaire, tranh thủ gọi điện thoại trò chuyện với tôi trong lúc sạc smartphone sau 3 ngày mất điện: "45 năm sống ở Texas, đây là lần đầu tiên tôi thấy tuyết nhiều, dày lạnh lẽo đến vậy".
Suốt 3 ngày nay, TP phải cắt điện luân phiên nên khu vực bà Vy ở không có điện, không nước, không điện thoại. Bà và hàng xóm đang phải chịu cái lạnh như cắt da, mọi người dùng những bình sưởi bằng gas một cách dè sẻn vì đường đang đóng băng không tiện ra ngoài nhiều, sau khi tuyết rơi là mưa đá làm đường sá đóng băng nhanh chóng trong cái lạnh âm.
Tôi nhắn giữ ấm cẩn thận, bà cười bảo "đang mặc 5 cái áo!". Nhiều TP trong tiểu bang và các trung tâm thương mại gần như đóng cửa, các điểm đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân cũng tạm đóng cửa.
Cho đến hôm nay, mọi người được cảnh báo tiếp tục ở trong nhà để tránh tai nạn xe cộ vì vốn dĩ người dân Texas không có nhiều kinh nghiệm lái xe trên đường tuyết hay đóng băng và hơn thế nhà cửa ở tiểu bang Texas không được xây dựng theo cách thông thường chống lại thời tiết băng giá - có nghĩa nhiệt độ trong nhà nhanh chóng rơi xuống tình trạng đóng băng sau khi hệ thống sưởi bị vỡ, đường ống nước nứt bể.
* * *
Người Việt ở Canada cũng đón một mùa Xuân lạnh nhất trong gần 10 năm qua. Toronto là TP đông dân nhất Canada và là thủ phủ của tỉnh Ontario. Vị trí của Toronto nằm ở Tây Bắc hồ Ontario, là một trong Ngũ đại hồ của Bắc Mỹ. Chính vì địa thế trải dài giáp mặt hồ Ontario nên mùa đông ở đây bị ảnh hưởng khá lớn bởi hiệu ứng tuyết mặt hồ (lake-effect snow). Khi gió thổi luồng không khí lạnh từ phía Nam hay phía Đông qua mặt hồ Ontario ấm hơn sẽ tạo nên những trận tuyết lớn và lạnh bất thường. Thời điểm xảy ra những trận bão tuyết và lạnh nhất trong năm thường rơi vào dịp lễ Family Day (ngày thứ 2 của tuần thứ 3 trong tháng 2 hằng năm). Kỷ lục ngày lạnh nhất trong mùa đông ở Toronto là ngày 10-1-1859, lạnh đến -33 độ C. Ngày lạnh nhất ở Toronto từ ngày tôi và gia đình đặt chân đến Canada (cách đây 9 năm) là ngày 15-2-2015, -25 độ C.
Hiện tại, tôi còn nhớ là nồi nước lèo nấu phở để qua đêm thì hơi nước đọng lại trên nắp đóng thành đá khi nhiệt độ xuống -22,2 độ C. Nói về cái hại do bão tuyết thì là một chuỗi hiệu ứng domino: Trường học đóng cửa; phụ huynh phải xin nghỉ làm ở nhà trông con nếu chúng chưa đủ 13 tuổi; trẻ nhỏ thì cha mẹ tìm người trông giúp nếu bắt buộc phải đi làm; tai nạn giao thông tăng do tầm nhìn kém và đường trơn trượt; hành khách phải đợi xe/tàu lâu hơn dưới trời tuyết lạnh buốt; nhiều gia đình có con nhỏ không chịu được lạnh do mất điện không có lò sưởi phải di tản đến nhà người quen hoặc những nhà trú tạm của địa phương…
Tuy vậy, ngoài những cái hại thì trận bão tuyết cũng mang lại nhiều điều thú vị: trẻ con và cả người lớn có thể chơi trượt trên đồi dốc cao phủ đầy tuyết; cả nhà có thể cùng nhau đắp người tuyết lớn ngang người thật; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn khi người trẻ khỏe hơn phụ người già yếu dọn tuyết; cũng là dịp để bạn bè người thân gọi điện thăm hỏi nhau xem có bị ảnh hưởng gì không... Có bão tuyết mới thấy cái ấm áp của tình người. Và nhờ bão tuyết mà con người mới thấy rõ tác hại của việc tàn phá môi trường gây biến đổi khí hậu.
Theo Nhã Trần - Vĩnh Lộc (Nld.com.vn)