Tình cảnh khiến cảnh sát Pháp nổi giận, biểu tình 6 ngày liền

24/10/2016 14:11:00

Cảnh sát ở nhiều thành phố Pháp biểu tình trái quy định suốt 6 ngày, đòi cải thiện điều kiện làm việc sau những vụ bạo lực nhắm vào lực lượng hành pháp. 

Cảnh sát ở nhiều thành phố Pháp biểu tình trái quy định suốt 6 ngày, đòi cải thiện điều kiện làm việc sau những vụ bạo lực nhắm vào lực lượng hành pháp. 

Cảnh sát Pháp đeo băng đỏ, mang quốc kỳ tham gia biểu tình. Ảnh: Reuters

Chính phủ và dư luận Pháp vừa bị sốc sau khi hàng nghìn cảnh sát nước này tổ chức một đợt biểu tình quy mô lớn trên nhiều thành phố, kéo dài suốt 6 ngày liên tục để phản đối điều kiện làm việc thiếu an toàn và trang bị nghèo nàn của họ, theo Reuters.

Cuộc biểu tình hy hữu của cảnh sát Pháp diễn ra đồng thời tại thủ đô Paris và các thành phố Strasbourg, Nancy, Bordeaux, Toulouse, Lyon, nơi các cảnh sát đòi chính phủ phải có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Điều lệnh của cảnh sát Pháp không cho phép họ tham gia biểu tình trong giờ làm việc, hoặc sử dụng các trang bị đặc chủng như xe tuần tra hay đồng phục cảnh sát. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia hồi tuần trước cũng kêu gọi các thuộc cấp tôn trọng điều lệnh, đồng thời tuyên bố mở cuộc điều tra người đứng ra tổ chức và xúi giục cảnh sát biểu tình.

Tuy nhiên, cảnh sát Pháp chỉ đơn giản là phớt lờ các quy định và cảnh báo của cấp trên cũng như chính phủ, tổ chức các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người trái với điều lệnh ngành. Họ đối phó với các quy định bằng cách mặc quần áo dân sự, nhưng vẫn chứng minh với mọi người mình là cảnh sát bằng cách đeo băng đỏ trên tay, hoặc thậm chí giơ những tấm biển có dòng chữ "Cảnh sát nổi giận".

"Điều kiện làm việc của chúng tôi đã giảm sút trầm trọng, chúng tôi đã kiệt sức rồi. Trong một năm qua, nhất là sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, chúng tôi đã bị vắt kiệt sức lực. Chúng tôi chỉ là không đủ người để thực thi nhiệm vụ", một thành viên có thâm niên 11 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Quốc gia Pháp cho biết.

Cũng như hàng trăm đồng nghiệp đang tụ tập trước trụ sở Cảnh sát Quốc gia ở Paris, người này bịt kín mặt và giấu tên khi trả lời báo chí, vì lo sợ bị thượng cấp trù dập.

Cảnh sát nổi giận

Theo giới quan sát, "giọt nước tràn ly" thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trong lực lượng cảnh sát Pháp chính là một sự cố xảy ra hôm 8/10 ở Viry-Chatillon, ngoại ô phía nam Paris, nơi một chiếc xe tuần tra của cảnh sát đang đậu ở ven đường thì bị một đám đông 10-20 tên tấn công bằng gạch đá, tuýp sắt và bom xăng. Trong số 4 cảnh sát có mặt trong xe, hai người bị bỏng nặng, trong đó một người vẫn đang rơi vào tình trạng hôn mê sâu tại bệnh viện.

Nỗi giận dữ về tình trạng làm việc quá sức đã âm ỉ trong lực lượng cảnh sát Pháp suốt nhiều tháng qua. Rất nhiều sĩ quan cảnh sát nói rằng họ bị thiếu nhân lực trầm trọng, và bị kéo căng quá mức khi nước Pháp bị đặt trong tình trạng khẩn cấp suốt gần một năm qua, sau một loạt vụ khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra.

"Chúng tôi bị yêu cầu làm những việc chẳng liên quan gì tới nghiệp vụ cảnh sát, như canh gác các nhà hát, giáo đường và nhà thờ. Đúng là không thể chịu đựng nổi, chúng tôi không thể làm hết việc", Nathalie, một nữ cảnh sát có thâm niên 12 năm công tác, nói. Cô là người duy nhất chịu tiết lộ danh tính khi trả lời phỏng vấn, nhưng vẫn kịp kéo khăn trùm kín mặt khi được chụp ảnh.

tinh-canh-khien-canh-sat-phap-noi-gian-bieu-tinh-6-ngay-lien-1
Một nữ cảnh sát bịt kín mặt khi tham gia biểu tình.

Một cảnh sát trẻ 23 tuổi có hai năm công tác trong ngành, tin rằng lực lượng hành pháp đang phải trả giá quá nhiều để đảm bảo sự an toàn cho xã hội. "Nếu ai đó gọi vào đường dây khẩn cấp 17, chúng tôi không có đủ xe tuần tra và nhân lực gần đó để đáp ứng. Những vụ lặt vặt, những trường hợp phạm tội… chúng tôi không có đủ thời gian để làm tất cả những việc đó", anh này nói.

Hàng nghìn cảnh sát và binh sĩ Pháp đã được triển khai để liên tục tuần tra, giám sát tại các sân bay, bến tàu, trường học sau các vụ tấn công khủng bố khiến hơn 230 người thiệt mạng trong hai năm qua.

Tuy nhiên, cảnh sát Pháp cho rằng họ không được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân khi thực hiện các công việc nguy hiểm trên đường phố.

"Chúng tôi phát ốm với việc nghe tin đồng đội bị tấn công. Trên tất cả, chúng tôi có cảm giác như không hề nhận được câu trả lời hợp tình từ phía chính phủ", một cảnh sát nói khi tham gia biểu tình ở đại lộ Champs-Elysees ở Paris.

 Cảnh sát Pháp biểu tình ở thủ đô Paris

"Chúng tôi muốn chiến đấu chống lại tình trạng coi nhẹ nạn bạo lực đối với cảnh sát. Chúng tôi muốn được thượng cấp và cơ quan tư pháp lắng nghe. Nếu chúng tôi trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, ai sẽ bảo vệ người dân", một cảnh sát khác chia sẻ. "Chúng tôi chỉ đơn giản là đã chán ngấy với việc phải làm việc trong sợ hãi".

Nữ sĩ quan Nathalie cho rằng cảnh sát cũng là con người, cũng có gia đình, và không thể chấp nhận được tình trạng trở thành mục tiêu cho các vụ tấn công. "Thực tế ngày càng rõ ràng là chúng tôi không được cấp trên ủng hộ. Một cảnh sát bị thiêu cháy chẳng có nghĩa lý gì với họ", cô nói.

Cuống cuồng đối phó

Nỗi giận dữ của các cảnh sát Pháp càng bùng lên sau khi ông Jean-Marc Falcone, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia, tuyên bố hồi tuần trước rằng cuộc biểu tình này là "không thể chấp nhận được". 

Tuyên bố của ông Falcone như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến quy mô biểu tình ngày càng lớn hơn, thu hút sự chú ý cũng như ủng hộ rộng rãi của dân chúng hơn. 

Sau khi cuộc biểu tình kéo dài 6 ngày liên tục, chính phủ Pháp đã phải khẩn trương tìm biện pháp đối phó. Ông Falcone rút lại tuyên bố của mình, thừa nhận rằng "nhiều cảnh sát trẻ đã mất niềm tin vào cấp trên, vào thể chế và nghiệp đoàn". Ông cam kết sẽ trang bị các vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại cho cảnh sát thực thi nhiệm vụ, đồng thời giảm bớt gánh nặng thực hiện nhiệm vụ canh gác cho họ.

tinh-canh-khien-canh-sat-phap-noi-gian-bieu-tinh-6-ngay-lien-2
Cảnh sát Pháp phải căng mình giám sát các địa điểm công cộng sau một loạt vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Reuters

"Tôi thấu hiểu nỗi lo lắng của họ, và tôi xin nói rằng tôi chia sẻ gần như tất cả các yêu cầu của họ", ông Falcone nói.

Đêm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố sẽ gặp gỡ đại diện các nghiệp đoàn cảnh sát tại văn phòng vào đầu tuần này để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ.

Theo bình luận viên Michelle Gagnon, rất có thể lực lượng cảnh sát Pháp sẽ được đáp ứng các yêu cầu của mình sau cuộc gặp quan trọng này, nhưng cuộc biểu tình hy hữu của cảnh sát sẽ là cái cớ để các đảng phái đối lập tiếp tục công kích ông Hollande. "Đồng thời, hình ảnh lực lượng an ninh Pháp biểu tình chống chính phủ là minh chứng sinh động cho tác động của chủ nghĩa khủng bố và sự bất ổn mà nó tạo ra", Gagnon nhấn mạnh.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật