Hàn Quốc có thể nghe lén Kim Jong Un và vợ hay không?
JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) gần đây đã đăng tải bài báo "Seoul có khả năng nghe lén điện thoại của Kim Jong Un và Ri Sol Ju hay không?", trong đó nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng "đệ nhất phu nhân" có thể sử dụng điện thoại được bảo mật cấp độ cao.
Trong tình huống này, việc tình báo nước ngoài nghe lén ông Kim và vợ "về cơ bản không thể thực hiện được".
Tờ báo Hàn Quốc cho hay, các cơ quan trung ương ở Bình Nhưỡng dùng đường dây điện thoại với tín hiệu "ảo" để liên lạc với địa phương, do đó rất khó bị xâm nhập.
Tuy nhiên, JoongAng Ilbo đặt giả thiết, trong trường hợp xảy ra các sự cố bất ngờ và bà Ri thực hiện cuộc gọi đến máy của ông Kim Jong Un, thì cuộc gọi này có thể bị nghe lén.
Dù vậy, để đạt được mục đích này vẫn cần rất nhiều điều kiện "tiền đề", ví dụ như nhận biết trước thanh âm của ông Kim và phu nhân.
Trên thực tế, các video của Ri Sol Ju thời còn là ca sĩ, cũng như ông Kim đọc diễn văn mừng năm mới trên truyền hình có thể đáp ứng điều kiện này.
Ngoài ra, điều kiện bắt buộc khác là các cơ quan tình báo phải... biết được số điện thoại cá nhân của vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong khi Triều Tiên đã phổ cập điện thoại di động với hơn 2 triệu máy.
Thêm vào đó, JoongAng phân tích, nhân tố quyết định là "Hàn Quốc có khả năng sử dụng vệ tinh để thám trắc tín hiệu số của điện thoại di động hay không?".
Vấn đề đặt ra là, Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS)... không có vệ tinh nghe lén của riêng mình đối với vấn đề do thám bộ đội Triều Tiên.
Việc thông tin liên lạc của Kim Jong Un được bảo mật vô cùng kỹ lưỡng, và đến nay chưa có thông tin cho thấy ông Kim từng bị nghe lén. |
JoongAng Ilbo cũng đặt ra một tình huống giả tưởng khác là phu nhân lãnh đạo Triều Tiên "tự mình ra nước ngoài... mua đồ hiệu". Giả thiết này được nêu ra dựa trên các báo cáo trước đó của NIS rằng vợ chồng Kim Jong Un là những người "yêu thích đồ hiệu xa xỉ".
Trong tình huống này, mạng lưới tình báo của Hàn Quốc đối với Triều Tiên hoàn toàn có khả năng "bắt" được cuộc gọi quốc tế được thực hiện thông qua cáp quang, nếu bà Ri Sol Ju liên lạc với ông Kim Jong Un.
Nhưng cho dù điều này khả thi, NIS vẫn... chịu thua trong việc chủ động kiểm soát thông tin từ cuộc điện thoại này, mà phải dựa vào Washington.
Tình báo Hàn Quốc cần cải thiện năng lực
JoongAng Ilbo lý giải việc đặt ra các tình huống bà Ri Sol Ju gọi điện thoại cho ông Kim xuất phát từ thực tế tình báo Hàn Quốc hiện tại chưa đủ năng lực theo dõi các cuộc điện thoại nhạy cảm thực hiện trực tiếp giữa vợ chồng ông Kim.
Gần đây, trên thế giới xuất hiện nhiều vụ tình báo quốc tế nghe lén nước ngoài được báo cáo trên các phương tiện truyền thông, khiến Seoul trở nên quan ngại về việc cải thiện lĩnh vực bảo hộ thông tin cá nhân cũng như các cơ chế liên quan.
Theo JoongAng, kỹ thuật viễn thông phát triển vượt bậc đã đưa đến một cuộc "chiến tranh tình báo" mà những thông tin bị lộ ra thậm chí có thể "mang tính sống chết".
Tờ này nhận xét, trong bối cảnh đó, sẽ là lãng phí nếu Hàn Quốc chỉ tập trung vào cuộc đối đầu nội bộ với Bình Nhưỡng giống như "ếch ngồi đáy giếng" và kiến nghị Seoul đầu tư bổ khuyết "những điểm thua kém" của NIS so với tình báo Triều Tiên trên bình diện an ninh quốc gia.