Giám đốc BfV Hans-Georg Maassen cho biết: “Chúng tôi đã chú ý rất nhiều hoạt động thu mua diễn ra ở toà sứ quán này. Chúng tôi cho rằng đó là các thiết bị dùng để chế tạo tên lửa, đồng thời cũng có thể được dùng trong chương trình hạt nhân”, ông Maassen nói.
Tuy không nêu rõ cụ thể, ông nói loại công nghệ và thiết bị mà Triều Tiên lén lút thu mua “có thể sử dụng trong cả mục đích quân sự và dân sự”.
Cơ quan tình báo Đức cho biết họ đã giám sát các hoạt động trên của nhân viên sứ quán Triều Tiên từ năm 2016-2017. Trước đó, hồi năm 2014, cơ quan này từng cáo buộc một nhà ngoại giao Triều Tiên cố gắng thu thập thiết bị dùng để chế tạo vũ khí hoá học.
Ngoài cáo buộc mới nhất của giới tình báo Đức, một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hôm 2/2 cho biết Triều Tiên đang né tránh các cấm vận bằng việc xuất khẩu than, sắt và thép… đến các nước, kiếm được gần 200 triệu USD trong năm ngoái.
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng phát hiện những bằng chứng cho thấy liên quan giữa Triều Tiên với chương trình vũ khí hoá học của Syria, và nỗ lực cung cấp tên lửa đạn đạo cho Myanmar.
Theo Ngụy An (Tri Thức Trực Tuyến)