Ngày 15-2 vừa qua, chính trị gia Basuki Purnama, hay còn được biết đến với biệt danh "Ahok" đã mất vị trí dẫn đầu cuộc đua giành chiếc ghế Thị trưởng Jakarta chỉ vì một đoạn video “chế” của cư dân mạng xã hội. Nạn tin tức giả mạo đang tràn ngập trên các mạng xã hội và khiến cả nước Indonesia đau đầu.
Kết quả vừa qua không chỉ bởi những lý do tôn giáo hay chính trị, như sự gần gũi giữa ông và Tổng thống Joko Widodo hoặc chiến dịch tranh cử của ông đối thủ Agus Yudhoyono. Một lý do khác là sự bùng nổ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội trong những tháng gần đây ở Indonesia.
Thị trưởng mãn nhiệm Jakarta, Ahok, vận động tái cử. |
Cụm từ “fake news” (tin tức giả mạo) xuất hiện trong những tháng cuối cùng của cuộc bầu Tổng thống Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016 đã đem lại chiến thắng bất ngờ cho ông Donald Trump mặc dù tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều nói bà Hillary Clinton chắc chắn giành chiến thắng.
Nhiều giới chức Mỹ sau đó quy trách nhiệm cho Facebook là “tạo điều kiện” cho những thông tin “giả” loan truyền khiến công chúng ngộ nhận, dẫn tới thất bại của bà Clinton. Chỉ riêng tại Mỹ có tới 51% người sử dụng mạng xã hội cá nhân để theo dõi thời sự và 87% trong số đó dùng tài khoản trên Facebook.
Có điều, trên mạng Facebook, cộng đồng mạng đã tìm thấy những tin vịt như là Đức Giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Donald Trump hay ứng viên tổng thống của phe Dân chủ, bà Hillary Clinton đã tung 137 triệu USD mua vũ khí bất hợp pháp, lại cũng bà Clinton vừa tậu căn biệt thự 200 triệu USD trong vùng Maldives, hay nước Mỹ sau hai nhiệm kỳ Tổng thống Obama phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp là 42%...
Theo trang mạng chuyên về thông tin qua ngả Internet BuzzFeed, trụ sở tại New York, trong số 2.283 tài khoản sử dụng Facebook được sử dụng như một phương tiện để tuyên truyền cho ông Trump, có tới 12,3% chuyên để tung tin nhảm; 1/4 trong số đó khai thác cả tin thật lẫn tin giả để lấy phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa trong mùa vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Sau sự việc trên, một số nước đã yêu cầu Facebook loại bỏ những “tin vịt”. Tại Indonesia, những tin giả bị phát tán bởi những cá nhân hoặc nhóm người với mục đích gây ra bất ổn chính trị hoặc bôi nhọ một nhóm dân thiểu số, một tôn giáo. Những tin giả thường bắt đầu và lan truyền trên WhatsApp và Facebook, mà Indonesia là một trong những nơi có nhiều người dùng mạng xã hội nhất.
Cuối cùng, những thông tin bị bóp méo đó lại được nhiều người coi là đúng vì chúng được chia sẻ giữa những người thân với nhau. Tại quần đảo 255 triệu dân với đầy chia rẽ sắc tộc này, hậu quả mà tin giả gây ra hoàn toàn có thể tạo ra biến động lớn.
Trở lại vụ việc của ông Ahok. Tại một cuộc họp hồi tháng 9-2016, Ahok đã nhạo báng đối thủ của ông khi có những lời nói mỉa mai kinh Koran. Việc này bị coi là hành vi báng bổ thần thánh và đã nhận nhiều sự chỉ trích và lên án của người dân, nhất là các tổ chức Hồi giáo, điển hình là Mặt trận Người bảo vệ Hồi giáo (FPI). Hành vi trên bị đưa ra xét xử từ tháng 12-2016 và hiệc vẫn đang tiếp diễn. Ahok phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến tội báng bổ nhưng nếu bị kết án thì ông sẽ phải nhận án phạt 5 năm tù.
88 triệu người Indonesia có tài khoản Facebook. |
Kể từ tháng 9-2016, hưởng ứng lời kêu gọi của các tổ chức Hồi giáo đã có tới 3 cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra với yêu cầu kết án Ahok và đòi Tổng thống Widodo từ chức. Tất cả bắt nguồn một câu nói của Ahok nhưng thực sự thì nó có đúng như những gì mà người ta phao tin bằng một video về bài phát biểu kèm theo những chú thích sai lệch, bịa đặt.
Theo phóng viên báo Jakarta Post, người có mặt theo dõi bài phát biểu của Ahok, thì những chú thích trên video là sai sự thật vì có những chỗ đã bị cắt mất. Cảnh sát Indonesia cho rằng video này "đã được làm ra để truyền bá thông tin mà có thể gây ra sự chống đối và thù hận".
Người đăng đoạn video lên Facebook đã bị buộc tội vì gây ra thù hận. Anh ta bào chữa rằng chỉ muốn thảo luận về chính trị với bạn bè và anh đã không nhận ra rằng đã dịch sai đoạn video.
Hậu quả của một video sai phụ đề là những vụ biểu tình lớn. Sự xuất hiện của một loạt những thông tin sai lệch, cố ý hay vô tình phát ra từ “tai mắt” của những trang mạng có ảnh hưởng ngày càng lớn.
Vài ngày trước vòng một cuộc bầu cử Thị trưởng Jakarta, Saiful Manjani Research and Consulting (SMRC) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát, trong đó có 45% người được hỏi tin rằng Ahok đã phạm tội và có 88% người không biết chính xác những gì Ahok đã nói.
Trên toàn quốc, có 52% dân số (132 triệu người) dùng mạng xã hội và 129 triệu người thường xuyên lên mạng (3,5 giờ/ngày). Facebook là kênh truyền thông ưa thích, với 88 triệu người sử dụng. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, số người lên Facebook bằng điện thoại ở Indonesia còn nhiều hơn Mỹ. Do đó, những thông tin giả lây lan càng nhanh khi số người theo dõi tin tức càng nhiều.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ lo ngại về những hành vi phỉ báng, hận thù và lăng mạ trên các mạng xã hội. Từ đó, ông công bố phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo, tương tự như ở Đức hay Pháp. Phương pháp áp dụng bao gồm: truy tố liên đới tới những cá nhân lan truyền tin giả; phong tỏa các trang mạng đưa tin.
Theo lời Tổng thống Widodo, Chính phủ sẽ đưa ra 2 chiến dịch nhằm giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho những mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web "đáng tin cậy" do nhà nước kiểm duyệt.
Bên cạnh đó, Hội đồng Hồi giáo Tối cao Ulema đã tung ra một sắc lệnh chống lại tin tức giả mạo và ngày càng có nhiều tín đồ tham gia. Tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia, Nahdlatul Ulama cũng tham gia vào chiến dịch chống lại những lời nói cực đoan trong thời đại kỹ thuật số.
Savic Ali, thành viên của Tổ chức Hồi giáo Vice, chỉ ra mấu chốt để giải quyết vấn đề là giáo dục về công nghệ để người dân có năng lực phân biệt những thông tin đăng tải trên Facebook.
Theo Đan Kô (An Ninh Thế Giới)