Năm 2019 chứng kiến không ít lần song bão (2 cơn bão cùng lúc) xuất hiện tại lưu vực Tây Thái Bình Dương. Mới đây nhất, sự hiện diện của song bão Neoguri và Bualoi một lần nữa chứng minh Tây Thái Bình Dương (gồm Biển Đông) là 'ổ bão' dữ dội nhất trên Trái Đất.
Vậy quốc gia châu Á nào đang phải hứng chịu cùng lúc song bão Neoguri và Bualoi này? Câu trả lời là Nhật Bản - quốc gia còn chưa khắc phục hết tình trạng mà cơn bão Hagibis đổ bộ ngày 12/10 khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gây lũ lụt diện rộng.
Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của NASA, nếu như bão Neoguri đang di chuyển dọc theo bờ biển phía Bắc Nhật Bản thì bão Bualoi dự báo sẽ 'đánh' vào miền Đông Nhật Bản trong tuần này và tiếp tục mạnh dần lên.
Đặc điểm báo động của song bão tiến về Nhật Bản lần này là: Tuy 2 cơn bão đang duy trì sức mạnh ở Cấp 2 (đối với bão Neoguri) và Cấp 3, khả năng tăng lên Cấp 4 (đối với bão Bualoi) trên thang bão Saffir-Simpson thì sự nguy hiểm của chúng lại đến từ khả năng gây mưa rất lớn trên diện rộng.
Vệ tinh của Chương trình Đo mưa toàn cầu (GPM) do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và NASA phối hợp thực hiện cho thấy cả hai cơn bão này (tuy không mạnh như bão Hagibis tính cho đến thời điểm này) đều trút xuống Nhật Bản những trận mưa lớn, buộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phải ra cảnh báo về lở đất, lũ lụt diện rộng.
Nếu như bão Neoguri được JMA xếp loại là xoáy thuận ngoài nhiệt đới (extratropical cyclone), loại bão có khả năng sinh ra bất cứ thứ gì từ mây mù và mưa đến gió lớn, dông bão, lốc xoáy - thì bão Bualoi được các chuyên gia khí tượng châu Âu thiết lập mô hình cho thấy độ ẩm cực lớn mà cơn bão này có được trong hệ thống bão của nó.
Khi những hậu quả nặng nề mà bão Hagibis gây ra cho Nhật Bản chưa đầy 2 tuần qua còn chưa được khắc phục hết thì quốc gia này lại tiếp tục hứng chịu những trận mưa xối xả của cơn bão thứ 20 và 21 trong năm 2019 của họ.
- Tình hình bão Neoguri (áp suất khí quyển là 990 hPa):
Bão đang gây mưa lớn cho vùng Tokai (Trung Nhật Bản), lượng mưa lên đến 300 mm; vùng Kinki (Tây Nhật Bản) hứng chịu lượng mưa 200 mm; còn vùng Kanto-Koshin là 150 mm. Không chỉ gây mưa, Neoguri còn gây sóng cao 5 mét tại các khu vực như Shikoku, Kinki và Tokai.
- Tình hình bão Bualoi (áp suất khí quyển là 955 hPa):
Theo thông tin của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC), sau khi di chuyển qua Quần đảo Mariana, bão Bualoi có khả năng mạnh lên thành siêu bão. Dự báo, Bualoi không chỉ gây gió giật mạnh mà hoàn lưu của nó còn gây mưa rất lớn khi đổ bộ Nhật Bản trong tuần này.
Đối mặt với những cảnh báo lũ lụt dự báo sẽ xảy ra do song bão Neoguri và Bualoi gây ra, tờ Japan Times phân tích những bài học cần phải có nhìn từ trận bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản ngày 12/10:
Những cơn mưa xối xả, những dòng sông đục ngầu và những ngôi nhà ngập nước lũ: Sự tàn phá của cơn bão Hagibis là một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng thời tiết khắc nghiệt có thể là chuẩn mực mới trong quốc gia dễ bị thiên tai này.
Chỉ mới tháng trước, bão Faxai đánh thẳng vào khu vực Kanto, thổi bay các mái nhà và gây ra sự cố mất điện lớn ở tỉnh Chiba thì những thiệt hại khổng lồ từ Hagibis tiếp tục trở thành thảm họa nặng gấp đôi cho những người dân chưa kịp khắc phục hết hậu quả của Faxai.
Ngày 22/10, chính phủ Nhật Bản xác nhận rằng lượng mưa kỷ lục mà Hagibis gây ra đã khiến những con đê tại các sông khắp Nhật Bản sụp đổ, khiến cho nước lũ tràn vào khu dân cư đông đúc.
Trận bão Hagibis khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và 9 người mất tích, theo đài NHK. Gần 68.600 ngôi nhà bị ngập lụt, với khoảng 5.800 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Gần 4.000 người vẫn ở trong các trung tâm sơ tán.
Giáo sư Kazuhisa Tsuboki thuộc Viện nghiên cứu môi trường không gian Trái Đất tại Đại học Nagoya cho biết, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, những cơn bão mạnh và mưa như trút sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Đại dương nóng lên làm tăng độ ẩm trong không khí, điều này chẳng khác nào nguồn năng lượng khổng lồ 'nuôi lớn' các cơn bão. Điều đáng sợ là những trận bão mạnh này lại phát triển tập trung tại Đông và Đông Nam Á.
Rủi ro của bão nhiệt đới đối với các quốc gia như Nhật Bản chắc chắn đang leo thang, Giáo sư Kazuhisa Tsuboki nói. Sự xuất hiện của bão Faxai và Hagibis, cơn bão thứ 15 và 19 trong mùa bão 2019 của Nhật Bản, trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất ở vùng Kanto và Tokai kể từ khi Cơ quan khí tượng bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1951.
Đối mặt với song bão Neoguri và Bualoi, chuyên gia Nhật Bản lên tiếng: Cần phải dự báo chính xác không chỉ cường độ bão mà còn độ ẩm của bão. Bởi chúng là nguyên nhân gây nên những trận mưa như trút xuống khu vực mà nó đổ bộ.
Không phải nhìn ở đâu xa, bão Hagibis đã bộc lộ những điểm yếu trong cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia Nhật Bản. Một phần ba các chuyến tàu được sử dụng cho tuyến Hokuriku Shinkansen đã bị hư hại khi dòng sông Chikuma tràn vào làm ngập kho của họ ở Nagano. Mặc dù thiệt hại vẫn chưa được xác định, nhưng ước tính chi phí thay thế ở mức từ 30 tỷ đến 40 tỷ Yên.
Có thể nói, thiên tai, bão lũ hiện nay vẫn là vấn đề nhức nhối đối với nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
Theo Trang Ly (Helino)