Một hành tinh có khối lượng gấp 4 lần Trái đất có khả năng hỗ trợ sự sống vừa được các nhà khoa học phát hiện. 'Siêu Trái đất' được đặt tên là Wolf 1061c, nằm cách hành tinh chúng ta 14 năm ánh sáng.
Đây được xem là hành tinh giống Trái đất nằm gần chúng ta nhất ngoài hệ mặt trời. Wolf 1061c nằm trong vùng không gian mà nước và sự sống có thể tồn tại. Nó cũng quay quanh một ngôi sao giống như Trái đất quay quanh mặt trời, theo Daily Mail.
|
Hình minh họa một hành tinh giống Trái đất - Ảnh: Reuters
|
“Đây là một phát hiện đặc biệt thú vị. Hành tinh Wolf 1061c nằm trong vùng Goldilocks, khu vực không gian có thể tồn tại chất lỏng, thậm chí là sự sống”, Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Duncan Wright, người cùng các đồng nghiệp tại Đại học New South Wales, Úc phát hiện ra “siêu Trái đất”.
Wolf 1061c là một trong 3 hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn đỏ mà các nhà khoa học đặt tên là Wolf 1061. Nó nặng gấp 4,3 lần Trái đất, và mất 18 ngày để quay hết một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao.
Trong tương lai, giới khoa học có thể nghiên cứu bầu khí quyển của “siêu Trái đất” xem nó có thực sự hỗ trợ sự sống. Điều đặc biệt của Wolf 1061c là nằm cách chúng ta chỉ 14 năm ánh sáng.
Khoảng cách này là rất gần so với quãng đường hàng trăm đến hàng nghìn năm ánh sáng của phần lớn các hành tinh giống Trái đất khác. Hiện nay, công nghệ mà con người sở hữu vẫn chưa thể cho phép tiếp cận những nơi xa xôi như vậy.
Theo Ngọc Quý (Thanh Niên Online)