Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Hồng Kông ngày 15-12 cho Reuters biết sự khác biệt lớn về mức độ nhân lên của Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 khác có thể giúp dự đoán tác động của biến thể này.
So với biến thể Delta, Omicron tự nhân lên nhanh hơn 70 lần trong đường thở, khiến mức độ lây lan từ người sang người gia tăng nhanh chóng. Nhưng trong phổi, Omicron sao chép chậm hơn 10 lần so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2, có thể góp phần làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Hồng Kông Michael Chan Chi-wai nói: "Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ bệnh nặng ở người không chỉ được xác định bởi sự nhân lên của virus mà còn bởi phản ứng miễn dịch của mỗi người, đôi khi tiến triển thành chứng viêm đe dọa tính mạng".
TS Chan cho biết: "Bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, một loại virus rất dễ lây nhiễm có thể gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao hơn. Mối đe dọa tổng thể từ biến thể Omicron có thể là rất đáng kể".
Theo nhóm nghiên cứu, mô hình cấu trúc về cách biến thể Omicron gắn vào tế bào và kháng thể làm sáng tỏ hành vi của nó và sẽ giúp tạo ra các kháng thể trung hòa.
Trong khi đó, Indonesia vừa ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên. Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi người dân tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe và đảm bảo tiêm vắc-xin Covid-19 sau khi quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này phát hiện ca mắc biến thể Omicron đầu tiên. Đó là một nhân viên của bệnh viện Wisma Atlet ở thủ đô Jakarta, được xác định mắc bệnh tối 15-12. Người này trước đó có ra nước ngoài.
Ông Jokowi cho hay sự xuất hiện của Omicron - biến thể có khả năng lây nhiễm cao đã được báo cáo ở hơn 70 quốc gia - là điều không thể tránh khỏi, đồng thời cảnh báo người dân không nên tự mãn.
Indonesia ghi nhận tổng cộng hơn 4,2 triệu ca mắc Covid-19 và 143.000 ca tử vong cho đến nay nhưng số ca mắc hằng ngày giảm đáng kể từ giữa năm 2021, nhiều hạn chế đã được nới lỏng.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)