Tiểu hành tinh có tên 2017 AG3 lộ diện trước giới chuyên gia địa cầu vào cuối tuần qua nhờ vào dữ liệu thu được từ dự án Khảo sát bầu trời Catalina do Đại học Arizona (Mỹ) thực hiện.
Nó có chiều dài từ 15 - 34 m và khi lướt qua trái đất, 2017 AG3 di chuyển với tốc độ 5.760 km/giờ. Vật thể gần trái đất, được gọi chung là NEO, chỉ cách địa cầu phân nửa khoảng cách từ hành tinh chúng ta với vệ tinh tự nhiên là mặt trăng. “Nó di chuyển cực nhanh, vụt qua chúng ta hết sức gần”, theo Eric Feldman, nhà thiên văn của Tổ chức Slooh, cung cấp dịch vụ viễn vọng kính robot trên nền tảng trực tuyến.
Slooh đã truyền trực tiếp quá trình thót tim vào ngày 9.1 vào 19 giờ 47 ngày 9.1.
Các chuyên gia Slooh cho hay 2017 AG3 hầu như cùng kích thước với tiểu hành tinh từng phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, vào năm 2013, tạo ra sóng xung kích ập xuống đô thị bên dưới khiến ít nhất 1.200 người bị thương. Điều đó có nghĩa là nếu lao thẳng vào trái đất, ảnh hưởng cũng sẽ tương tự.
Khoảng 38 sự kiện tương tự 2017 AG3 được dự kiến diễn ra trong tháng 1, theo Chương trình NEO của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Trong nhiều năm, các nhà khoa học nỗ lực tìm cách đối phó nguy cơ từ tiểu hành tinh, những vật thể sẵn sàng tấn công địa cầu mà không cần thông báo trước.
Mới đây, Nhà Trắng vừa công bố tài liệu chính thức mô tả kế hoạch xử lý thiên thạch hoặc tiểu hành tinh, và các nhà nghiên cứu phải thừa nhận rằng con người hầu như chẳng chuẩn bị gì trước một sự kiện có thể hủy diệt trái đất.
Trong số 7 mục tiêu được đề cập trong tài liệu, Nhà Trắng cũng tập trung vào việc cải thiện năng lực dựng mô hình và dự đoán những điểm NEO sẽ đi qua. Đồng thời, Mỹ lên kế hoạch cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm và đầu tư vào các phi thuyền không gian công nghệ cao có thể loại bỏ những mối đe dọa.
Bên cạnh đó, NASA đang triển khai một loạt các sứ mệnh, bao gồm sứ mệnh chuyển hướng tiểu hành tinh bằng cách gửi tàu robot đến mục tiêu và thiết lập căn cứ trên quỹ đạo cho các phi hành gia.
Theo Hạo Nhiên (Thanh Niên Online)