Một tài khoàn Weibo ở Trung Quốc được đánh giá là "đặc biệt" khi thường đăng tải các thông tin về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà người ta "không tìm thấy trên báo đài".
Weibo "hâm mộ" Tập Cận Bình
Gần đây, một tài khoản mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Do nhiều lần đăng thông tin hoạt động quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, với tốc độ nhanh vượt trội so với các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, trang này được cho là “có bối cảnh không đơn giản”.
Thậm chí, truyền thông quốc tế suy đoán đằng sau tài khoản Weibo trên là một “nhân vật thần bí” bên cạnh ông Tập.
Theo Trang Đa Chiều (Mỹ), tài khoản Weibo trên trang Sina của Trung Quốc tên xuexifensituan (tạm dịch là "Fan club học Tập", với chữ Tập được hiểu là họ của nhà lãnh đạo Trung Quốc).
Các thông tin cơ bản hiển thị cho biết Weibo này được thành lập ngày 14/10/2012 tại Thượng Hải, "giới tính" nam, sinh ngày 25/12/1985, nghề nghiệp: lữ hành gia, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ngoài ra, xuexifensituan không hề có bất kì thông tin nào khác.
Ngày 15/11/2012, Hội nghị trung ướng lần thứ nhất của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII bầu ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương nhiệm kì mới, đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc.
|
Thông tin trên trang Weibo xuexifensituan. Đây là một Weibo được xác thực bởi Sina.
|
Bí ẩn về tài khoản Weibo xuexifensituan
Theo Đa Chiều, có thông tin rằng, ngày 21/11, xuexifensituan đã đăng bài đầu tiên: “Đây là đại gia đình ủng hộ và yêu quý chủ tịch Tập, hoan nghênh mọi người gia nhập đại gia đình những người hâm mộ chủ tịch Tập”.
Do thông tin cá nhân của tài khoản Weibo này được bảo mật, cộng với thời gian thành lập rất gần với thời điểm ông Tập lên nắm quyền, đồng thời có nhiều lần đưa tin về hoạt động của ông nhanh hơn truyền thông chính thống, nên cá nhân/tổ chức đứng sau xuexifensituan trở thành một đề tài gây tò mò lớn.
Hãng tin AP (Mỹ) hồi tháng 2/2013 đưa tin, chủ nhân tài khoản Weibo xuexifensituan là một cử nhân đại học và đi làm công ăn lương có tên Zhang Hongming.
Tuy nhiên, thông tin này không làm thỏa mãn tâm lý tò mò của một bộ phận hay theo dõi các động thái chính trị cấp cao ở Trung Quốc.
Vì vậy, Đa Chiều cho hay, gần đây có giả thuyết cho rằng chủ của xuexifensituan thực chất là một cựu thư ký của ông Tập Cận Bình, đồng thời đưa ra một số thông tin giới thiệu về nhân vật bí ẩn này..
Theo giả thuyết trên, Weibo xuexifensituan do ông Lương Kiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình thời ông Tập công tác ở tỉnh Phúc Kiến - phê chuẩn thành lập và được duy trì bởi những phóng viên chuyên nghiệp.
Lương Kiến Dũng có ý muốn học theo Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, Trung Quốc Trần Mẫn Nhĩ, quan chức được cho là đã giúp Tập Cận Bình triển khai “Chi giang tân ngữ” – chuyên mục hàng đầu của tờ Chiết Giang Nhật báo, để phát biểu các bài văn chính luận dưới bút danh Triết Hân.
Trần Mẫn Nhĩ rất thành công trong việc giúp ông Tập “định hình”, tuyên truyền các quan điểm, học thuyết, lý luận chính trị của mình cho quan chức trung cấp toàn tỉnh Chiết Giang.
Đa Chiều nhận xét, các mô tả về lí lịch Lương Kiến Dũng có vẻ rất tỉ mỉ, chân thực, tuy nhiên tồn tại một "sơ hở" lớn.
Theo thông tin công khai này được tìm thấy trên trang Baidu, Trung Quốc, tuy quan chức này có thời gian dài ở Phúc Kiến, nhưng chưa từng giữ chức chức "Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình".
Khi phân tích lý lịch công tác của ông Tập tại Phúc Kiến, người ta thấy ông nhận chức Bí thư thành ủy Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến vào năm 1990, đến năm 1996 thì được thăng chức lên làm Phó Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến.
Trong khi đó, Lương Kiến Dũng đến năm 1997 mới về giữ chức Phó thị trưởng thành phố Phúc Châu. Năm 2001, khi Lương Kiến Dũng giữ chức Thường vụ tỉnh ủy, Phó thị trưởng thường vụ thành phố Phúc Châu, thì Tập Cận Bình đã là Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến.
Sang năm tiếp theo, Tập Cận Bình chuyển sang giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang cho đến khi trở thành Chủ tịch nước, trong thời gian này, Tập Cận Bình không hề giữ bất cứ chức vụ nào tại Phúc Kiến.
Bên cạnh đó, Đa Chiều đánh giá, việc tồn tại một chức vụ như “Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình” không phải là điều nhạy cảm trong ngôn ngữ chính trị của Trung Quốc, vì vậy, thông tin trên nếu có thực cũng sẽ giúp ích nhiều hơn cho quá trình thăng tiến của Lương Kiến Dũng và không cần thiết phải "bị che giấu".
Theo như phân tích ở trên, giả thuyết về việc “Lương Kiến Dũng từng là thư ký cho Tập Cận Bình, quản lý việc tuyên truyền đường lối, tư tưởng chính trị cho Tập Cận Bình” là không hề có căn cứ.
|
Weibo là một công cụ tuyên truyền hiệu quả của ông Tập? |
Một cách tiếp cận dư luận mới của giới lãnh đạo Trung Quốc?
Không thể phủ nhận, trong những báo cáo giới thiệu về cá nhân và các hoạt động có liên quan đến Tập Cận Bình, thì quả thật trang xuexifensituan này có ưu thế vượt trội mà các phương tiện truyền thông hàng đầu như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo cũng không có.
Weibo này được cho là đã từng đăng lên rất nhiều hình ảnh hiếm trong quá khứ của ông Tập, trong đó có cả ảnh lúc nhỏ, ảnh thời niên thiếu, ảnh ông chụp cùng cha là Tập Trọng Huân, ảnh gia đình, ảnh của ông Tập cùng vợ là bà Bành Lệ Viện, ảnh khi ông làm việc cùng các yếu nhân như Giang Trạch Dân, Lý Bằng.
Đối với đời sống cá nhân của các lãnh đạo quốc gia, những phát ngôn của giới truyền thông Trung Quốc luôn bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong khi đó, việc một Weibo "cá nhân" có thể đăng lên nhiều thông tin và hình ảnh về đời tư của lãnh đạo cao nhất khiến giới quan sát lý giải đây là một phong cách làm việc nhằm “thân dân”, và xuexifensituan có thể tận dụng không gian tương đối thoải mái này.
Ngoài ra, trong chuyến công tác miền Nam Trung Quốc từ 7-11/12/2012, sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả Tân Hoa Xã cũng chỉ báo cáo lần đầu về hành trình này vào ngày 12, sau khi chuyến đi kết thúc. Thế nhưng xuexifensituan đã tiến hành một loạt báo cáo nhanh chóng, kịp thời hơn.
Tốc độ đi theo lộ trình, đăng bài, tin tức, cập nhật hình ảnh có liên quan đến ông Tập của trang Weibo này hoàn toàn vượt trước tất cả các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, thậm chí tiết lộ một số thông tin nội bộ.
Đa Chiều cho hay, bất kể "thân phận" có đặc biệt hay không, xuexifensituan đã cung cấp được những thông tin "mềm", đúng thị hiếu quần chúng về các hoạt động chính trị của ông.
Theo các nhà phân tích, nếu trang Weibo nói trên là kết quả của công tác truyền thông từ các quan chức nhà nước Trung Quốc thì đây cũng là một tín hiệu cho thấy giới lãnh đạo cấp cao nước này đang mở ra một kênh giao lưu, tiếp nhận thông tin đại chúng theo một cách hoàn toàn mới.
Về vấn đề này, bất kể trang này có hậu thuẫn là ai đi chăng nữa, thì sự xuất hiện của loại hình truyền thông mới mẻ này cũng là một việc có ích đối với dư luận Trung Quốc.
>> Tập Cận Bình cảnh cáo ai khi tuyên bố rắn về "thái thượng hoàng"?
>> Tình nhân Chu Vĩnh Khang trục lợi hơn 4,6 triệu USD "mất tích"
>> Trung Quốc bắt đầu cải cách quân đội
>> Điểm yếu của quân đội Trung Quốc và bài học Nga
>> Vì sao quân đội Trung Quốc chuyển đổi theo mô hình Mỹ?
Theo Lê Thu (Soha.vn)