Nhà nghiên cứu Molly Range đến từ Đại học Michigan nước Mỹ trình bày nghiên cứu của mình tại Hiệp hội Địa vật lý Mỹ vào tháng trước. Trong đó, ông nói rằng trận sóng thần gây ra bởi tác động của tiểu hành tinh Chicxulub không giống như bất cứ điều gì nhân loại từng thấy.
Đây chắc chắn là một trong những cơn sóng thần lớn nhất từ trước đến nay, chuyên gia hải dương học Brian Arbic, người cũng tham gia nghiên cứu, nói thêm.
Sau cơn sóng cao 1,5km, nước tiếp tục quay trở lại miệng hố khổng lồ gây ra bởi sự va chạm của tiểu hành tinh vào Trái Đất. Và điều này lại gây ra một đợt sóng lớn khác.
Tác động của tiểu hành tinh có thể đã được cảm nhận trên toàn Trái Đất, với sóng thần xuất hiện ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cao tới 14 mét và ngày càng cao hơn khi tiếp cận đất liền. Trong khi đó, Vịnh Mexico bị sóng cao tới 100 mét tấn công.
Để so sánh với những con sóng ngày nay, các nhà nghiên cứu nói rằng con sóng lớn nhất từng ghi nhận ở Nam bán cầu chỉ cao khoảng 24 mét. Nó đã đổ bộ vào New Zealand năm ngoái.
Nếu xét về sức mạnh, sóng thần do Chicxulub gây ra mạnh gấp khoảng 2.600 lần so với trận sóng thần ở Ấn Độ Dương tháng 12 năm 2004 khiến hơn 200.000 người thiệt mạng - một trong những trận sóng thần dữ dội nhất ghi nhận ở thời hiện đại.
Các nhà khoa học đưa ra những kết luận này sau khi thiết lập mô phỏng va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub.
Họ phát hiện những cơn sóng thần này xuất hiện trên toàn cầu trong vòng 24h, đôi khi di chuyển nhanh tới 143 km/h.
Cách đây khoảng 66 triệu năm, tiểu hành tinh Chicxulub đã rơi xuống vùng nước nông xung quanh bán đảo Yucatan, Mexico, ngày nay, tạo ra chuỗi các sự kiện dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long.
Không chỉ tạo ra sóng thần “quái vật”, Chicxulub còn kích hoạt sóng xung kích và bắn hỗn hợp đá và bụi nóng vào khí quyển. Nhiều loài vật bị chết cháy, các tảng đá ngăn chặn ánh nắng mặt trời suốt nhiều năm, làm gián đoạn quá trình quang hợp và phá vỡ chuỗi thức ăn.
Theo Trà My - RT (Dân Việt)