Tiếng than nhói lòng của những cậu bé bán thân ở Thái Lan

29/05/2021 23:11:04

"Nếu được lựa chọn, cháu sẽ từ bỏ". Câu nói của những cậu bé hành nghề mại dâm đến từ Thái Lan khiến người nghe nhói lòng.

Trong câu chuyện do báo The Bangkok Post đăng tải, một cậu bé 12 tuổi (giấu tên) sống ở TP Chiang Mai trông gầy gò bất thường so với độ tuổi 12 của mình. Từng trải qua tuổi thơ bất hạnh và bạo lực gia đình, em phải bỏ nhà và bỏ học, sau đó được gửi vào trại trẻ mồ côi.

Mảnh đời bất hạnh

Thiếu sự giáo dục, cậu bé sa chân vào con đường nghiện ngập, bao gồm rượu và ma túy. Bị phát hiện và trừng phạt nặng, em bỏ lên thành phố rồi trở thành người vô gia cư, cuối cùng chọn cách hành nghề mại dâm để kiếm sống.

Cậu bé này là 1 trong số 20 thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi hành nghề mại dâm ở thủ đô Bangkok, TP Pattaya và TP Chiang Mai. Các em được phỏng vấn trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến ​​toàn cầu về khám phá tình trạng bóc lột tình dục trẻ em trai - Báo cáo Thái Lan" do tổ chức phi lợi nhuận ECPAT International phối hợp với Viện Tư pháp Thái Lan (TIJ) thực hiện.

"Những cậu bé từ cộng đồng Đa dạng tính dục và Bản dạng giới (SOGIE) không bị coi là bóc lột tình dục. Vì định kiến ​​giới, mọi người nghĩ rằng các em muốn tình dục bởi nhu cầu của bản thân" - ông Mark Kavenagh, trưởng bộ phận Nghiên cứu và Chính sách của ECPAT International, cho biết.

Tiếng than nhói lòng của những cậu bé bán thân ở Thái Lan
Ngày nay, nạn nhân của bóc lột tình dục vẫn có thể bị buộc tội liên quan đến mại dâm. Ảnh: The Bangkok Post

SOGIE là thuật ngữ hay dùng để mô tả cộng đồng LGBT (là các chữ cái viết tắt của Lesbian - đồng tính luyến ái nữ, Gay - đồng tính luyến ái nam, Bisexual - song tính luyến ái và Transgender - chuyển giới), xuất hiện trong các văn kiện của Liên Hiệp Quốc.

Bà Santanee Ditsayabut, làm việc tại TIJ, nói với báo The Bangkok Post: "Quan niệm sai lầm về giới dẫn đến trẻ em trai ít được quan tâm vấn đề giới tính hơn trẻ em gái. Trong khi đó, mức độ bạo lực đối với trẻ em trai tồi tệ hơn nhiều".

Đại úy Khemachart Prakyhongmanee đến từ Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan (DSI), người có hơn 15 năm kinh nghiệm về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, giải thích thêm về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

"Thông tin của DSI cho thấy số trẻ em trai bị lạm dụng tình dục cao hơn trẻ em gái. Các trường hợp đó thường đi kèm với việc bán nội dung khiêu dâm trẻ em trai trên mạng internet. Hơn nữa, kết quả báo cáo khớp với dữ liệu của chúng tôi, rằng trẻ em trai khó kể câu chuyện của mình hơn trẻ em gái vì sợ bị sỉ nhục và bị bắt nạt. Một sự thật đáng buồn là cha mẹ của các em đều không biết con trai họ bị lạm dụng tình dục. Chúng cũng dễ bị tổn thương và tìm đến ma túy" - ông Khemachart nói.

Đâu là giải pháp?

"Nếu được lựa chọn, cháu sẽ từ bỏ". Câu nói của những cậu bé hành nghề mại dâm đến từ Thái Lan khiến người nghe nhói lòng. Không có gì ngạc nhiên khi 18/20 thanh thiếu niên được phỏng vấn muốn rời bỏ công việc mại dâm nếu có những lựa chọn khác. Phần lớn trong số này bắt đầu hành nghề mại dâm khi còn rất nhỏ, khoảng 12 tuổi. Những lý do chính khiến các em trở thành mại dâm nam là đói nghèo, bạo lực gia đình và phân biệt giới tính.

TS Phiset Sa-ardyen, giám đốc điều hành TIJ, tin rằng báo cáo của ECPAT International và TIJ có thể tạo ra động lực để hiểu rõ hơn về các vấn đề mà thanh thiếu niên bán dâm ở Thái Lan phải đối mặt cũng như mở đường cho các giải pháp.

Tiếng than nhói lòng của những cậu bé bán thân ở Thái Lan - 1
Ông Mark Kavenagh. Ảnh: The Bangkok Post
Tiếng than nhói lòng của những cậu bé bán thân ở Thái Lan - 2
Bà Santanee Ditsayabut. Ảnh: The Bangkok Post

Bà Maia Mounsher, giám đốc tổ chức Urban Light Foundation Thailand (trụ sở ở TP Chiang Mai), đối tác biên soạn báo cáo, nhận xét: "Nhiều người lớn như cha mẹ, giáo viên và cán bộ đến giúp những cậu bé này nhưng họ không hiểu nhu cầu của các em và không có biện pháp thích hợp. Hướng dẫn đúc kết từ báo cáo có thể bảo vệ các em trước khi chúng bị quấy rối và bóc lột tình dục".

Giải pháp khả thi cho tình trạng bóc lột tình dục trẻ em trai, đó là phải giải quyết tình trạng đói nghèo, bạo lực gia đình và phân biệt giới tính; giúp nam giới, nữ giới và cộng đồng SOGIE tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội cũng như cho họ thêm nhiều cơ hội việc làm và đào tạo hướng nghiệp.

Theo ông Kavenagh, ngày nay, nạn nhân của bóc lột tình dục vẫn có thể bị buộc tội liên quan đến mại dâm trong khi trên thực tế, họ cần được bảo vệ với tư cách là nạn nhân. Thêm vào đó, Thái Lan vẫn chưa có luật nào cấm phát các hành vi lạm dụng tình dục hoặc bóc lột tình dục trực tuyến hoặc trực tiếp.

Đại úy Khemachart lưu ý chính phủ Thái Lan hiện không có cơ quan cấp trung ương phụ trách giải quyết vấn đề bóc lột tình dục trẻ em trai. Do đó, không có cơ sở dữ liệu về nạn nhân dẫn đến quá trình xử lý bị trùng lặp. Người này cho rằng sẽ rất có lợi nếu bổ sung nhân viên tham gia nhiệm vụ giải cứu và bảo vệ những cậu bé lỡ sa chân vào con đường mại dâm, đồng thời thực hiện quy trình phục hồi chức năng cho các em, giúp chúng hoàn lương.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)

 

Nổi bật