Vượt qua mọi sự truy cản của phòng không Nhật bản, dù đã giảm tốc, nhưng chiếc tiêm kích MiG vẫn trượt ra đầu đường băng, dũi nát khoảng 300 mét đất.
Lúc này, người Mỹ, người Nhật Bản và Phương Tây lại thèm "có trong tay"sơ đồ và công nghệ chế tạo dòng Mikoyan loại máy bay loại MiG-25 Foxbat. Bởi những "tính năng lừng danh" mà tình báo nhiều nước đồn đoán, hoặc bị rò rỉ từ Liên Xô.
Máy bay MiG-25R do viện thiết kế của các tổng công trình sư Mikoyan và Gurevich chế tạo cuối những năm 1960. Đây là chiếc máy bay bay nhanh thứ 2 thế giới sau chiếc máy bay trinh sát SR-71 của Mỹ (3.900 km/giờ, gấp 3,2 lần vận tốc âm thanh). Nhưng SR-71 của Mỹ chỉ là máy bay trinh sát.
Thật đáng nể, MiG-25 Foxbat ngay khi xuất hiện đã khiến các nước Phương Tây kinh ngạc về hiệu suất bay, với tốc độ kinh khủng của nó, đạt tới Mach 3,2 (3920km/h), gấp 3,2 lần vận tốc âm thanh, vượt khỏi tầm khống chế của các hệ thống phòng không của đối phương.
Đến nỗi, nó từng bay qua không phận Israel khoảng 20 lần, nhưng F-4E của không quân Israel luôn đuổi hụt. Người Do thái thực sự không có cách nào để ngăn chặn nổi MiG-25, ngay cả khi biết trước lịch bay, đường bay của Foxbat.
Chính sự xuất hiện của MiG-25 "tung tăng" trên bầu trời Israel đã góp phần cảnh cáo, "cắt" nguy cơ chiến tranh hạt nhân, khi nước này có trong tay 18 quả bom hạt nhân, họ đã manh nha ý định sử dụng nó.
Các phi công lão luyện Phương Tây và Mỹ còn "trợn ngược mắt" khi biết gia tốc cực đại mà máy bay MiG-25 chịu được là 11,5 G (112,8 m/s2), kéo dài trong suốt thời gian hỗn chiến bay thấp, mà khung máy bay hầu như không biến dạng. Chắc nó phải làm từ vật liệu cực bền.
Trong đánh chặn MiG-25 có ưu thế lớn vì mang theo 4 tên lửa không-đối-không R-40 đầu dò hồng ngoại và có thể điều khiển bằng radar, cự ly sát thương ngoài 80 km. Foxbats còn thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát điện tử và chụp ảnh độ phân giải cao.
Một vài Foxbats đã được tối ưu hóa cho vai trò tấn công cao tốc…sau này, phi công thử nghiệm А. Fedorov đã bay MiG-25 lên tới độ cao 37.650 m so với mặt đất.
Liên Xô xác nhận đã sản xuất hơn 1.000 chiếc MiG-25 Foxbat trang bị cho không quân Xô Viết và vài nước bạn bè.
Năm 1973, Quan chức Air Force Mỹ là Robert Seamans gọi MiG-25 Foxbat "có lẽ là loại đánh chặn tốt nhất trên thế giới ngày nay."
Mong được, ước thấy. Mỹ, Nhật Bản và Phương Tây đã có MiG-25 Foxbat trong tình thế bất ngờ. nhiều người từng biết vụ thượng uý phi công Liên Xô Belenko là kẻ đào tẩu đầu tiên, đã đưa máy bay MiG-25 tới Nhật Bản, ngày 6 tháng 9 năm 1976
Chiếc MiG-25 đã lao ra khỏi đường băng tới 300m. |
Bất ngờ bị sỉ nhục, Nhật nhận món quà bất ngờ
Lúc 13 giờ 11 phút hôm ấy, Belenko phi công trung đoàn bay số 513, lái chiếc máy bay tiêm kích MiG-25 Foxbat rời căn cứ không quân ở vùng Chuguyevka (Vùng Siberia, Nga), hướng về Nhật Bản.
Đúng 21 phút sau, hệ thống radar cảnh giới Nhật Bản kích hoạt toàn bộ 28 trạm. Sớm nhất, trạm radar tại vùng Okushiri phát hiện ra chiếc MiG 25 cách phía tây tỉnh Hokkaido 180km, nó đang bay ở độ cao 6.000 mét, tốc độ 805km/h
Lập tức, đài kiểm soát không lưu của Nhật Bản thông báo qua radio, bằng tiếng Nga và tiếng Anh hy vọng tốp bay lạ hiểu được yêu cầu của họ. Nhưng máy thu radio của MiG-25 đang đặt tần số liên lạc nội bộ, nên phi công Belenko không thể nghe được lời cảnh báo.
Lúc này y chỉ hy vọng có tốp F-4EJ Phantom nào đó xuất hiện để ép, và hộ tống y đến nơi an toàn. Chiếc MiG đã giảm tốc độ hơn, để không tỏ ra nguy hiểm với "chủ nhà".
Tới 13 giờ 20 phút, hai chiếc Phantom từ căn cứ Chitose cất cánh, chiếm độ cao trên MiG-25. Belenko giảm máy bay chỉ còn 550 mét, "chui" ra khỏi đám mây rộng.
Điều này đặt chiếc MiG dưới ngưỡng phát hiện radar. Nên "tốp bay lạ" biến mất khỏi màn hình ở Okushiri, Oominato và Kamo.
Belenko đã hạ cánh tại sân bay dân sự ở Hakodate, dù đã tính toán giảm tốc, nhưng chiếc tiêm kích MiG-25 vẫn trượt ra đầu đường băng, dũi nát khoảng 300 mét đất. Đó là thời điểm 13 giờ 57 phút.
Trang warisboring.com bình luận, một mình phi công MiG-25 đã đánh bại hệ thống phòng không của Nhật Bản trong 46 phút. Đó là một sự sỉ nhục với lực lương cảnh giới, bảo vệ vùng trời nước này.
Sau này, Cục phòng vệ Nhật Bản đổ lỗi cho sự việc theo dõi và đánh chặn kém, cho thời tiết xấu, tín hiệu phản xạ yếu. Nhưng thừa nhận rằng thiết bị của họ không hiệu quả khi kiểm soát máy bay độ cao thấp.
Hơn nữa chiến đấu cơ đánh chặn Phantom không có radar nhìn xuống (shoot-down). Cần có radar look-down chuyên lọc nhiễu địa vật để phát hiện đánh chặn từ trên cao.
Cảnh sát đến 10 phút sau khi MiG-25 hạ cánh. Họ chặn mọi lối ra – vào sân bay, đặc biệt người từ ngoài tới. Sợ Liên Xô phản ứng, trung đoàn bộ binh số 28 đồn trú tại Hakodate gọi quân tiếp viện, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể.
Các đơn vị phía bắc của Lực lượng Phòng vệ không quân Hải quân cũng tăng cường cảnh giác, báo động căng thẳng xung quanh Hokkaido.
Nhiều phỏng đoán rằng Liên Xô đã gài chất nổ vào vài hệ thống nhạy cảm nhất của Foxbat. Tờ The Chicago Tribune sau này dẫn lời một quan chức quốc phòng đã mô tả, MiG-25 "vừa là quả bom anh đào và một thanh thuốc nổ".
Nhưng đêm hôm đó, Nhật Bản không tìm thấy chất nổ trên MiG-25, cho dù đó là một đêm căng thẳng ở Tokyo và Hokkaido.
Về ngoại giao, ngay sau đó Liên Xô đã làm rõ với Tokyo rằng MiG-25 là tài sản của Liên Xô và họ muốn nó trở lại nguyên vẹn. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trả lời rằng Belenko là một tội phạm và rằng chiếc máy bay là bằng chứng trong một cuộc điều tra hình sự.
Ít ngày sau Tokyo trao Belenko cho đại sứ quán Mỹ, ngay lập tức phi công này được chở đến Hoa Kỳ.
Ngày 25 tháng 9, Quân đội Nhật xả MiG-25 thành từng miếng, nhờ Không quân Hoa Kỳ dùng máy bay vận tải C-5 Galaxy chở các bộ phận đến căn cứ không quân Hyakuri gần Tokyo. Sợ Liên Xô trả thù, hoặc cướp lại MiG-25, họ phải dùng chiến đấu cơ F-4H Phantom hộ tống.
Có tới 200 đoànchuyên gia, đủ các bộ môn khoa học hàng không của Nhật Bản tới kiểm tra, với sự "quan sát" mải mê của Mỹ, trong đó họ nghiên cứu "từng giẻ xương" của máy bay phản lực MiG-25
Món quà từ trên trời rơi xuống đối với Nhật và Mỹ. |
Mỹ, Nhật và Phương Tây "mổ sẻ" được gì?
Lại nói, Phòng Công nghệ nước ngoài của Không quân Hoa Kỳ lúc này đã có một cơ hội để thử nghiệm radar FOXFIRE mới của MiG-25. Trong suốt một tháng trời, họ đo, bổ ngang, bổ dọc động cơ máy bay MiG -25, được coi là rất khoẻ, có tên Tumansky R-15.
Người Mỹ hay người Nga đều hiểu, để bay nhanh, bay xa cần động cơ cực khoẻ và khung "xương" máy bay cứng, nhưng phải nhẹ, chịu nhiệt tốt... Do đó vật liệu hàng không là điều cần "phân chất".
Tạp chí An ninh toàn cấu (globalsecurity.org/military) viết, Các chuyên gia Mỹ-Nhật "ngã ngửa người" hoá ra khả năng cơ động, phạm vi và khả năng cận chiến của MiG-25 cực kỳ hạn chế.
Thì ra người Nga lắp ráp nhiều bộ phận máy bay bằng tay, và có mối hàn bằng tay. Từ lâu tin rằng Foxbat có một khung thân titan, nên Hoa Kỳ đánh giá máy bay này nhẹ hơn 25 phần trăm so với kích thước định tính.
Nhưng không phải thế, Foxbat họ sử dụng hợp kim niken-thép cho phần lớn kết cấu thân. Nên bay tốc độ cao không bảo đảm kháng được nhiệt như khung titan. Vì thế trọng lượng không có vũ khí của MiG-25 lên tới 29 tấn, cơ động kém!
Ngay cả tốc độ khủng khiếp của nó có vấn đề, dù lực đẩy có sẵn, cho phép đạt tốc độ Mach 3.2. Tuy vậy giới hạn tốc độ để ngăn chặn sự phá hủy của động cơ, chỉ ấn định là Mach 2.8. Ngay cả Mach 2.8 cũng khó khăn đạt được nếu không kích hoạt cho tuabin vọt tốc.
Máy bay được trang bị hai động cơ phản lực đơn trục R-15B-300, bố trí ở phần sau thân. Nó tạo ra 11,200kgf lực đẩy với luồng đốt sau.
Như vậy, Liên Xô khi thiết kế MiG-21 đã phải hi sinh một số tính năng khác để đạt được vận tốc lớn, độ cao lớn, và vận tốc vọt cao lớn.
Nên MiG-25 thiếu khả năng cơ động khi đang bay ở trạng thái đánh chặn, quần lộn, máy bay rất khó điều khiển khi bay ở độ cao thấp, máy bay chỉ có tầm không chiến ngắn, nếu bay ở tốc độ siêu âm.
Thiết kế MiG-25, Liên Xô sử dụng phần lớn đèn điện tử chân không sợi đốt, thay vì dùng thiết bị đèn transistor, làm cho công suất của thiết bị tăng cao, lại chịu nhiệt tốt hơn, dễ bảo trì. Nhờ đó, một rada rất mạnh là Smerch-A của MiG-25 có, công suất khoảng 600 kW.
Với rada này thì gần như mọi biện pháp phòng thủ điện tử (EMC) đều trở nên vô dụng. Tuy vậy, MiG-25 cũng không có radar nhìn xuống / shoot-down. Điều này làm cho nó vô dụng, khi chống lại mục tiêu bay thấp hơn.
MiG-25P còn được trang bị thiết bị điện tử nhận dạng bạn-thù (IFF). Việc kiểm soát chuyến bay và thiết bị định vị, bao gồm la bàn vô tuyến ARK-10, đo độ cao vô tuyến RV-4 và hệ thống chuyển hướng hạ cánh Polyot-11.
Rõ ràng khả năng cơ động của Mig-25 đã bị phóng đại. Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã vạch ra nhiều nhận định sai lầm của cộng đồng tình báo của Mỹ về máy bay này. Kết quả kiểm tra làm người Mỹ cảm thấy thất vọng. Foxbat chỉ tỏ ra hiệu quả trong vai trò trinh sát hơn là đánh chặn.
Robert Farley, một cộng tác viên thường xuyên của tờ National Interest viết, những thiếu sót sẽ được tha thứ, nếu Foxbat đã từng được thực hiện vai trò đánh chặn tầm cao, nhưng trong thực tế hầu hết các phi vụ như thế ít xảy ra.
Sự đào tẩu của Belenko khiến những bí mật về hệ thống radar và tên lửa của MiG-25 đã bị Mỹ, Nhật và Phương Tây khám phá.
Mig-25 không phải là một máy bay chiến đấu có ưu thế trên không mà Liên Xô thiết kế để nó leo cao với tốc độ rất lớn. Có lẽ người ta chế tạo nó để đối chọi với máy bay trinh sát SR-71.
Nhưng, cũng theo nguồn dẫn, phi công Belenko khai, Mig-25 không thể đánh chặn SR-71 vì SR-71 bay quá cao và quá nhanh; Mig-25 vẫn không thể đuổi được nó và chặn nó. Các tên lửa thiếu tốc độ để vượt qua SR-71, hệ thống hướng dẫn bắn không thể điều chỉnh kịp với SR-71.
Sau 67 ngày, chiếc máy bay MiG-25 đã được trả lại Liên Xô dưới dạng linh kiện rời, như một cử chỉ "thiện chí".
Nhờ cú sốc do Belenko mang lại, Tokyo vội đẩy nhanh việc mua radar nhìn xuống (look-down), dự án này từng "nghiền ngẫm" trong nhiều năm.
Ngay sau đó, những chiếc máy bay chỉ huy, báo động sớm E-2C Hawkeyes, đầu tiên đã được mua về năm 1979, đủ 13 chiếc về trong năm 1983. Nhật Bản từ đây đã có thể yên tâm tránh khỏi các mối đe dọa mới nhất từ máy bay siêu âm Tu-22M Backfire ném bom hạt nhân của Liên Xô.
Với Liên Xô, ngay sau đó, năm 1978, các nhà thiết kế đã nhanh chóng phát triển một phiên bản cải tiến mới, MiG-25PD ("Foxbat-E"), với một radar RP-25 Saphir look-down/shoot-down mới, hệ thống dò tìm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST).
MiG-25 được lắp động cơ mạnh hơn. Khoảng 370 chiếc MiG-25P đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn mới và có tên gọi là MiG-25PDS. Việc chế tạo MiG-25 dừng lại năm 1984, nhường chỗ cho loại máy bay tiên tiến hơn là MiG-31.
Không ngừng hoàn thiện năng lực tác chiến tầm cao, bay xa, bay nhanh, phát hiện trước đối phương, bắn tên lửa từ xa… người Nga đã sắp có loại tiêm kích tốt hơn nữa là MiG-41, hiện thông tin về nó còn rất hạn chế.
Có điều chắc chắn rằng, nó sẽ bay nhanh hơn tên lửa với tốc độ có thể đạt đến Mach 4 (nhanh gấp 4 lần tốc tộ âm thanh, tương đương 4.900 km/h), nhằm chống lại mọi mối đe doạ trên không. Khi có radar tốt, tên lửa uy lực cao, thì đây mới chính là niềm tự hào của Không quân Nga trên bầu trời trải dài hơn 10 múi giờ của họ.