Ngày 13-1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với Lockheed Martin Aeronautics Company (công ty con của hãng Lockheed Martin) về việc thiết kế sửa đổi lại bình nhiên liệu lắp đặt trên máy bay chiến đấu F-35A Lightning II, cũng như hỗ trợ vấn đề tương tự cho Không quân các quốc gia đặt mua dòng máy bay siêu đắt này như Australia, Italia, Hà Lan và Na Uy…
|
Ảnh minh họa.
|
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ không giải thích cụ thể về lỗi kỹ thuật trên bình nhiên liệu của máy bay F-35. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên F-35 mắc phải các lỗi kỹ thuật từ thông thường tới nghiêm trọng cần khắc phục ngay. Một số lỗi kỹ thuật nghiêm trọng đã được ghi nhận trên các nguyên mẫu F-35 bay thử nghiệm gần đây như: Cháy động cơ, tràn dầu máy phát điện trên khoang, lỗi phần mềm điều khiển….
Hiện tại, chương trình Máy bay tấn công liên quân (JSF) phát triển máy bay F-35 đang nhận nhiều lời chỉ trích vì bội chi ngân sách và các phiên bản của máy bay không đạt được tính năng như kỳ vọng thiết kế. Giới chuyên gia đánh giá, tổng chi phí của chương trình máy bay F-35, bao gồm cả chi phí dịch vụ duy trì hoạt động của dòng máy bay thế hệ 5 trong 55 năm tới, ở thời điểm hiện tại đã chạm mốc 1.500 tỷ USD. Con số này còn có thể tăng thêm, nếu số lượng máy bay F-35 Mỹ và các quốc gia đặt mua tiếp tục giảm.
Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD). Tuy nhiên, giá thành của F-35 có thể sẽ tăng lên nhiều do các lỗi kỹ thuật và quá trình phát triển chậm tiến độ tới 7 năm.
>> Nga nâng cấp một phần máy bay ném bom Tu-22M3
>> Báo Mỹ nói về kế hoạch hiện đại hóa quân đội VN
Theo Tuấn Sơn (Quân Đội Nhân Dân Online)