Nếu nói về độ chịu chơi ở phạm vi toàn cầu, tỉ phú Nga Roman Abramovich được xem là một “tượng đài” khét tiếng.
Dân chơi Roman Abramovich chứa đựng nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp. |
Du thuyền, máy bay phải lớn nhất
Ngồi chễm chệ trên khoang hạng nhất của chiếc du thuyền Eclipse với nội thất thửa riêng từ công ty Terence Disdale, tỉ phú Roman Abramovich gọi nhân viên mang cho mình một ly martini hảo hạng. Bầu trời và mặt nước ở cảng Hamilton thuộc đảo Bermuda (Anh) như hòa làm một càng khiến việc thưởng thức ly cocktail thêm hoàn hảo.
Siêu du thuyền Eclipse dài 164 mét. |
Du thuyền Eclipse dài 164 mét từ từ tiến vào chỗ trú chân quen thuộc và chủ nhân Roman bước xuống đất. Một chiếc siêu xe cáu cạnh kịp xuất hiện, đưa Roman tới một khách sạn hạng sang ở đảo quốc chỉ có dân số vỏn vẹn 1.100 người này. Chuỗi ngày nghỉ “miệt mài” của Roman với chiếc du thuyền đắt đỏ nhất thế giới chính thức bắt đầu.
Eclipse, đúng như tên gọi của mình là “Nguyệt thực”, khiến tất cả những du thuyền cá nhân khác đặt cạnh trở nên lu mờ. Tỉ phú người Nga Roman Abramovich, người từng giàu có nhất ở Nga năm 2006 đã chi tới 500 triệu USD để đặt mua chiếc thuyền với thiết kế tuyệt mỹ này từ công ty Francis Design. Không chỉ dài nhất thế giới ở thời điểm năm 2009, du thuyền Eclipse còn cực kì xa xỉ.
Máy bay Airbus A380 từng nằm trong ước muốn sở hữu của Roman. |
Roman đã mạnh tay đổ thêm 1 tỉ USD nữa để trang bị hệ thống tàu ngầm và lá chắn tên lửa trên tàu. Tờ Daily Mail của Anh khẳng định con tàu này là “bất khả xâm phạm” theo đúng nghĩa đen tới nghĩa bóng. Cánh phóng viên từng thử chụp ảnh du thuyền Eclipse khi nó vận hành nhưng bất thành vì nó có hệ thống cảm biến nhận ra máy ảnh và phát ra ánh sáng đủ mạnh để vô hiệu camera.
Không chỉ chịu chơi ở “cấp độ” du thuyền, Roman cũng rất hào hứng với các chuyên cơ. Thời điểm năm 2006, ông sở hữu một chiếc Boeing 767 nhưng ông vẫn đặt cọc để mua siêu máy bay Airbus A380 lớn nhất hành tinh. Chiếc máy bay này có thể chở được 800 hành khách hạng phổ thông và bay một lèo 15.000 km không nghỉ. Dù vậy đến nay sau 10 năm, Roman vẫn chưa đánh tiếng về việc sở hữu chiếc chuyên cơ huyền thoại.
Người “chơi bời” nhất ở Nga
Roman có thời làm đại diện tối cao khu vực Chukotka nghèo khó. |
Roman Abramovich sinh năm 1966 và mất cha mẹ khi còn rất nhỏ. Ông được một người bác nuôi dưỡng và chăm sóc như con đẻ. Khi lớn lên, Roman đã nuôi chí làm giàu và mở doanh nghiệp đầu tiên chuyên bán búp bê. Thời điểm năm 1990, Roman chuyển hướng sang kinh doanh dầu mỏ và phất lên nhanh chóng.
Năm 1999, ông được bầu làm người đại diện tối cao khu vực tự trị Chukotka nghèo khó ở vùng Viễn Đông hẻo lánh. Roman đã chi hàng trăm triệu USD nhằm cải tạo khu vực này và tới năm 2005, ông được Tổng thống Nga trao Huân chương danh dự vì những thành tích đóng góp cho Chukotka trong hai nhiệm kỳ.
Ông chủ câu lạc bộ Chelsea đã thay đổi hoàn toàn diện mạo đội bóng. |
Ở thời điểm giàu nhất nước Nga năm 2006 với tổng tài sản 18,2 tỉ USD, Roman vẫn là một tỉ phú rất trẻ. So với những tên tuổi khác như Usmanov, ông kém hơn họ tới 10 tuổi.
Do sở hữu khối tài sản khổng lồ, Roman không tiếc tiền mua sắm những tài sản giá trị lớn. Trước đó vào năm 2003, Roman bỏ tiền tấn ra mua câu lạc bộ bóng đá Chelsea và vực dậy đội bóng này trở thành “ông lớn” của giải Ngoại hạng Anh.
Tiêu biểu nhất trong hàng chục khu bất động sản giá trị của Roman là lâu đài Chateau La Croe (Pháp) được ông mua năm 2001 với giá 30 triệu USD. Sau đó, ông chi thêm 100 triệu USD nữa để cải tạo. Nơi đây từng là địa điểm nghỉ dưỡng yêu thích của vua Edward VIII.
Ở London, tỉ phú Nga cũng bỏ tiền mua tòa nhà đại sứ quán trước đây của Liên Xô với giá 120 triệu USD. Để bảo vệ an toàn tối đa cho bản thân mình và gia đình trong các tòa dinh thự xa hoa, Roman thuê 40 vệ sĩ túc trực cạnh ông 24/7. Mỗi năm, số tiền thuê vệ sĩ ngốn của Roman 2 triệu USD.
Chuyên cơ Boeing 767-33A/ER thường được Roman sử dụng. |
Ngoài chiếc chuyên cơ Boeing 767-33A/ER là phương tiện di chuyển chính của Roman nếu cần đi chơi hoặc công cán ra nước ngoài, tỉ phú Nga còn mua thêm 3 chiếc trực thăng khác. Một chiếc đậu ở nhà riêng tại Anh, một chiếc đậu ở sân bay Blackbushe (Anh) và một chiếc đậu trên siêu du thuyền Eclipse.
Việc mua du thuyền hay máy bay đã là quá bình thường với Roman nên không ngạc nhiên khi ông sở hữu bộ sưu tập xe hơi “lóa mắt”. Bugatti Veryron, Maserati MC12 Corsa, Maybach 62 Limousine, Mercedes-Benz CLK GTR đều có mặt trong gara của Roman. Thậm chí ông sở hữu một chiếc chiếc Ferrari FXX, loại cực độc cả thế giới có 30 chiếc.
Đảo New Holland dùng để chứa tranh của Roman. |
Roman chứng minh mình không chỉ là một doanh nhân tiêu xài như phá, ông cũng là người biết thưởng thức nghệ thuật. Năm 2008, ông bỏ 120 triệu USD mua hai tác phẩm nổi tiếng của danh họa Francis Bacon và Lucian Freud. Sau đó, ông mua hòn đảo New Holland ở thành phố St.Peterburg (Nga) với giá khoảng 400 triệu USD để…cất giữ tranh.
Phù thủy kinh doanh
Roman thời còn sở hữu tập đoàn Sibneft. |
Không phải ngẫu nhiên mà Roman được xem là một trong những doanh nhân bí ẩn nhất ở Nga. Hiện tại ông không sống tại quê nhà mà chuyển qua Anh định cư trong nhiều năm qua. Tên tuổi của Roman gắn liền với nhiều thương vụ bí ẩn chưa có lời giải đáp, thậm chí nhiều tai tiếng.
Năm 1992, một lượng dầu mỏ 4 triệu rúp được chuyển từ nhà máy lọc dầu Ukhta đến Moscow. Roman đã xuất hiện, trình giấy tờ và mang 55 két chứa tới căn cứ quân sự Kaliningrad. Một thời gian sau, số dầu được phát hiện bán sang Latvia. Đặc điểm của két chứa khiến Viện Công tố Moscow bắt giam Roman ngay lập tức. Dù vậy, như có phép thần thông, Roman thoát án tù mà không phải ngồi trại bất kì ngày nào.
Thời gian đầu kinh doanh, Roman đổ tiền vào thị trường chợ đen. Sau khi có vốn kha khá, Roman chuyển qua đầu cơ quyền lực chính trị. Năm 1998, cựu giám đốc cơ quan mật vụ Nga Alexander Korzhakov, cựu cố vấn của Tổng thống Yeltsin đã nói thẳng trong một cuộc họp báo rằng: "Abramovich là hầu bao của các yếu nhân hàng đầu".
Năm 1995, Roman và nhà tài phiệt Berezovsky lập hàng chục công ty để tìm cách đấu giá, mua lại tập đoàn dầu mỏ Sibneft. Cuộc bán đấu giá chỉ là vỏ ngoài và Roman chỉ mất 250 triệu USD để mua món hời này. 10 năm sau, Roman bán lại Sibneft và thu lại 13 tỉ USD.
Ngoài Sibneft, Roman còn thao túng nhiều tập đoàn lớn khác. Ông sở hữu 70% tập đoàn nhôm quốc gia Nga (cũng là doanh nghiệp nhôm lớn nhất thế giới), 26% cổ phần công ty hàng không Aeroloft, kênh truyền hình danh tiếng ORT. Lúc này, mọi người thường gọi nhà tài phiệt Berezovsky là “Bố già” và nhân vật này xuất hiện ở mọi bước đường của Roman.
Roman và "bố già" Berezovsky. |
Năm 1999, Viện trưởng Viện Công tố Nga Yury Skuratov định làm tới cùng vì phát hiện liên minh kinh tế mờ ám của Roman. Tuy nhiên, phép lạ lại xảy ra khi Yury bị bắt quả tang vào phòng tắm xông hơi cùng gái làng chơi. Yury phải từ chức ngay sau đó và Roman lại bình yên vô sự.
Sang những năm đầu thế kỉ 21, Roman bán hết tài sản và chuyển tiền ra nước ngoài. Nhiều nguồn tin Nga mô tả trong thời gian đầu lập nghiệp chính trị, Roman đã núp bóng “Bố già” Boris Berezovsky và học hỏi đường đi nước bước của ông trùm khét tiếng. Boris không ngờ rằng chính “đồ đệ” của mình đã bán đứng ông và tẩu tán cùng toàn bộ tài sản.
Theo Quang Minh (Dân Việt)