Tỉ phú số 1 Trung Quốc, Chủ tịch tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm |
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) tối 27/1 đưa tin, quan điểm của Wanda và chính quyền Madrid "khác xa nhau". Wanda muốn phá bỏ tòa tháp để xây mới, trong khi phía Tây Ban Nha khẳng định "không thể được".
Sau nhiều cuộc đàm phán không hồi kết, truyền thông Tây Ban Nha hồi tuần trước đã lan truyền thông tin tập đoàn Wanda bắt đầu rút nhân viên của mình khỏi văn phòng dự án tại thủ đô Madrid mà không đưa ra thông báo nào.
Người đứng đầu tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm đã nhiều lần tỏ thái độ với chính quyền địa phương về vấn đề trên nhưng không thu được kết quả.
Theo Hoàn Cầu, trong cuộc đàm phán hôm thứ Ba, 26/1, ông Vương đã phải "chịu sự xúc phạm chưa từng thấy" và tuyên bố gay gắt: "Trong đời tôi chưa bao giờ có thời điểm nào tệ hại như vậy. Chính quyền Madrid đối xử với tôi như với chó vậy!"
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích nữ Thị trưởng Madrid Manuela Carmena và nhóm của bà cuối cùng đã khiến Wanda phải từ bỏ dự án xây dựng tòa tháp nói trên.
Hoàn Cầu cho hay, tại cuộc họp của chính quyền địa phương sáng 27/1, bà Carmena đã tái khẳng định và nhấn mạnh, cả tập đoàn Wanda lẫn tỉ phú Vương Kiện Lâm sẽ không "bỏ" Tây Ban Nha.
Bà cho biết: "Chúng tôi sẽ không để Wanda ra đi, hai bên vẫn trong vòng đàm phán. Để Wanda có được phương án khả thi cải tạo tháp Edificio Spain, chúng tôi sẽ nỗ lực nghiên cứu để đưa ra giải pháp bảo đảm lớn nhất cho họ."
Tuy nhiên, Đài phát thanh trung ương Trung Quốc (CNR) ngày hôm nay, 28/1, đã dẫn thông báo chính thức từ tập đoàn Wanda phủ nhận hoàn toàn thông tin đưa trên Thời báo Hoàn Cầu.
Thông báo của Wanda cho hay: "Thông tin trên Thời báo Hoàn Cầu sai sự thật nghiêm trọng. Tình tiết cũng như cuộc đàm phán như trong bài báo đó đề cập vốn không hề diễn ra.
Tòa nhà Edificio Spain mà tập đoàn Wanda của ông Vương mua lại |
Theo phóng viên của Hoàn Cầu tại Tây Ban Nha, tập đoàn của ông Vương Kiện Lâm đã hoàn thành đầy đủ thủ tục tài chính trong thương vụ mua lại tòa tháp ở Madrid và do tỉ phú này đứng tên làm chủ mới.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông Vương có toàn quyền quyết định số phận của tòa nhà mình sở hữu, bởi đây là một trong những kiến trúc được chính quyền Madrid xếp loại di sản cần bảo vệ. Việc mua bán có thể tùy ý, nhưng cải tạo phải có sự cho phép của chính phủ.
Hoàn Cầu cho biết, tỉ phú Trung Quốc mua tòa tháp này đúng vào thời gian Madrid tiến hành bầu cử, và tân Thị trưởng Carmena sau đó đã không thừa nhận cam kết của người tiền nhiệm với Wanda, khiến cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Tờ báo Trung Quốc cũng đánh giá, nhận xét cho rằng tình trạng trên thể hiện thái độ "chống Trung Quốc" là không thực sự đúng, bởi chính phủ hai bên vẫn có sự giao lưu, trao đổi "thường xuyên và nồng ấm".
Tháp Edificio Spain đã nhiều lần được sang tên đổi chủ trong vài chục năm qua. Năm 2006, ngân hàng lớn của Tây Ban Nha BBVA đã bỏ ra khoản tiền lớn mua lại và chuẩn bị đầu tư khổng lồ để cải tạo tòa tháp.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha sau đó đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng có trong lịch sử, khiến BBVA đối diện với nguy cơ phá sản, dẫn đến dự án bị bỏ không và trở thành gánh nặng với ngân hàng này.
Sau khi được Vương Kiện Lâm mua, tòa tháp trên lại trở thành chủ đề nóng. Ông Vương cho rằng các vật liệu kiến trúc của nó đã quá lỗi thời và không thể đứng vững được theo thời gian, nên kiến nghị phá dỡ toàn bộ tòa nhà.
Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)