Đoạn video được các nhà làm phim tài liệu "Drain the Oceans" của kênh truyền hình National Geographic dựng lại, mô phỏng thời khắc cuối cùng của máy bay MH370. Video: Youtube. |
Vào ngày 8.3.2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích một cách bí ẩn khi đang từ Kuala Lumpur (Indonesia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Vào thời điểm mất tích, máy bay mang theo tổng cộng 239 hành khách và phi hành đoàn. Cho tới này, vị trí chính xác của chiếc máy bay cũng như những hành khách xấu số vẫn chưa được tìm thấy. Sau nhiều cuộc tìm kiếm, các nhà chức trách cũng chỉ tìm thấy 3 mảnh vỡ của máy bay.
Từ đó đến nay, đã có rất nhiều thuyết âm mưu xoay xung quanh bí ẩn lớn nhất nhì lịch sử ngành hàng không này. Nổi tiếng hơn cả là giả thuyết “phi công tự sát” của cựu điều tra viên tai nạn máy bay Larry Vance. Theo đó, nhà điều tra người Canada cho rằng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah – người điều khiển chính chiếc MH370 – đã cố tình thay đổi hướng và sau đó là đâm máy bay xuống Ấn Độ Dương để tự sát, kéo theo 238 sinh mạng.
Cũng theo ông Vance, cơ trưởng Shah đã cố đâm máy bay xuống một cách nhẹ nhàng nhất có thể để hạn chế các mảnh vỡ, qua đó che dấu máy bay trước con mắt của những nhà điều tra.
Tuy nhiên, ông Peter Foley – người đứng đầu nhóm điều tra sự cố MH370 của Australia – đã bác bỏ thuyết âm mưu này. Theo Daily Stars, ông Foley cho rằng mảnh vỡ cánh tà của máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 được tìm thấy tại Tanzania là “thuốc giải” cho giả thuyết “phi công tự sát” của điều tra viên Vance.
Cụ thể, phần cánh tà ngoài của những chiếc Boeing 777 cụp mở trên một đường ray hỗ trợ bên trong. Trên mảnh vỡ tìm thấy ở Tanzania, các nhà điều tra đã tìm thấy các vết va chạm của đường ray ở phần mặt bên trong của cánh tà – đồng nghĩa với việc phần cánh này bị vỡ ra khi đang ở trạng thái rút vào.
Theo Daily Stars, máy bay chỉ rút cánh tà khi đang ở chế độ hành trình (bay tự động). Do đó, ông Foley khẳng định đây là 1 bằng chứng vững chắc, chứng minh rằng vào thời điểm MH370 đâm xuống biển, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah không điều khiển máy bay bằng tay.
“Khi phần cánh tà chính được tìm thấy ở đảo Pemba của Tanzania vào hồi năm 2016, chúng tôi có nhận được hình ảnh về mảnh vỡ này. Ngay khi nhận ảnh, chúng tôi nhận ra rằng mảnh vỡ có giá trị rất lớn”, ông Foley nói trong bộ phim tài liệu Drain the Oceans của kênh truyền hình National Geographic.
“Vấn đề này đã gây ra rất nhiều tranh cãi nhưng bằng chứng thật vững chắc và phân tích của chúng tôi đã cho thấy rằng MH370 mất tích không phải là một hành động cố ý tự sát”.
Theo Tiểu Đào (Dân Việt)