Theo một chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, tình trạng mệt mỏi ảnh hưởng tiêu cực đến tính sẵn sàng, hiệu quả và sự an toàn của thủy thủ
"Hãy ngủ khi bạn chết!"
Với các bản báo cáo chi tiết về mỗi sự cố, giới chức Hải quân Mỹ còn tìm hiểu những vấn đề rộng hơn có thể là nguyên do khiến thủy thủ đoàn dễ dính tai nạn chết người. Trước khi xảy ra 2 vụ gần đây nhất, các nhà điều tra thuộc quốc hội và giới chức Mỹ từng cảnh báo về chuyện thủy thủ làm việc quá sức và lịch trình huấn luyện bị rút ngắn.
Thủy thủ Mỹ thường đến tàu mà họ được phiên chế khi chưa được huấn luyện đầy đủ và thường phải làm việc quá mức trung bình gần 30 giờ mỗi tuần - báo The Wall Street Journal ngày 24-8 cho biết. Hồi tháng 5-2017, Văn phòng Giải trình của chính phủ Mỹ (GAO) có báo cáo xác nhận thủy thủ thường bị buộc phải huấn luyện thành viên mới ngay tại chỗ - hoạt động cắt xén thời gian cá nhân cũng như giờ làm việc khác.
Báo cáo của GAO nêu rõ: "Thủy thủ có kinh nghiệm đều đặn huấn luyện tại chỗ cho thủy thủ ít kinh nghiệm hơn. Vì vậy, thời gian để huấn luyện phải bớt ra từ giờ ngủ, quỹ thời gian cá nhân hoặc thời gian làm việc được phân công".
Tình trạng mất ngủ rất phổ biến trong mọi cấp binh chủng Hải quân Mỹ Ảnh: US NAVY |
Trong khi đó, nhiều thủy thủ và cựu thủy thủ đã đưa ra một đề nghị rất thiết thực: Hãy cho họ ngủ nhiều hơn. Theo trang Task & Purpose, cựu nữ sĩ quan hải quân Lori Schulze Buresh vẫn còn nhớ những phiên canh gác kéo dài suốt 5 giờ, cách 10 giờ sau lại đến lượt, bất kể ngày đêm. "Gay go nhất là thủy thủ bị đánh thức vào ban đêm nhưng vẫn phải làm việc suốt ngày, thân thể mệt mỏi, đầu óc nặng nề" - bà kể.
Theo báo Irish Times, trong 10 giờ không canh gác, thủy thủ vẫn làm nhiệm vụ thường ngày. Căn cứ lịch trình luân phiên đó, cứ 3 ngày thì thủy thủ lại có 1 ngày phải làm việc 20 giờ. Ngay cả thời gian ngủ cũng có thể bị ngắt quãng bởi các cuộc diễn tập hoặc việc tiếp nhiên liệu nên có khi thủy thủ thức trắng mấy ngày đêm liền. Báo cáo của GAO thừa nhận thủy thủ làm việc đến 108 giờ mỗi tuần.
Thiếu ngủ và mất ngủ không phải là chuyện mới mẻ. Hầu hết thủy thủ Hải quân Mỹ đều chấp nhận nó như một cách sống. Họ phải rèn luyện để có thể chịu đựng bằng cách dùng cà phê đậm đặc hoặc những bữa ăn khuya. Trong Hải quân Mỹ, không ai không biết câu "Hãy ngủ khi bạn chết!" - mệnh lệnh chung số 11 của lực lượng này.
Những "thây ma sống"
Việc thủy thủ mất ngủ thường xuyên có thể tạo ra một đội ngũ "thây ma sống" được huấn luyện đứng gác. Trong công trình nghiên cứu năm 2012, 39% thủy thủ Mỹ cho biết họ "thường xuyên không có giấc ngủ cho cảm giác nghỉ ngơi đủ để làm tốt công việc và sống tốt". Các cuộc nghiên cứu trước đây cũng cho thấy thủy thủ hoạt động trên biển mất nhiều giờ ngủ khi đang làm nhiệm vụ.
Năm 2015, tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận RAND công bố 2 cuộc thăm dò kéo dài 2 năm về giấc ngủ trong quân đội Mỹ. Kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng: Tình trạng ngủ không đủ thời gian rất phổ biến, chất lượng giấc ngủ kém, buồn ngủ ban ngày, sự mệt nhọc và ban đêm ngủ thấy ác mộng lan tràn khắp quân đội Mỹ, đặc biệt là thủy thủ phục vụ ở các hạm đội.
"Môi trường hải quân và thủy quân lục chiến không thuận lợi cho giấc ngủ. Các phiên canh gác cũng không tiện lợi để ngủ. Người ta không chú ý nhiều đến điều đó" - một thủy thủ bày tỏ với các nhà nghiên cứu RAND.
Vấn đề này càng thu hút sự chú ý khi một nữ thủy thủ phản ứng trước vụ va chạm của tàu USS John McCain bằng cách chia sẻ lịch trình làm việc và giấc ngủ hằng ngày của mình trên trang Reddit. Sau đó, câu chuyện đã bùng nổ với hàng trăm lời bình luận từ các cựu thủy thủ và cộng đồng hải quân.
"Tôi ngủ trung bình 3 giờ mỗi đêm. Tôi đã không ngủ một thời gian dài, đến mức tôi thấy và nghe những điều không hề xảy ra. Tôi đã chứng kiến những tai nạn đáng lẽ có thể tránh được - dù khi quá mệt mỏi, người ta không được quyền vận hành máy móc hạng nặng - trong đó có vụ khiến một người bị lột da đầu và một người gần như mất hẳn một ngón tay" - một thủy thủ viết.
Khi được hỏi liệu có vụ tai nạn nào liên quan đến Hạm đội 7 mà giấc ngủ và tình trạng mệt nhọc có thể bị quy kết trực tiếp hay không, các thủy thủ đã tỏ ra dè dặt. Tình thế của họ không hề dễ dàng để phát biểu, đồng thời mọi người đã thực sự bận rộn và mệt mỏi.
Hải quân Mỹ không phải không biết nạn mất ngủ diễn ra triền miên trong mọi cấp binh chủng này. "Tình trạng mệt mỏi ảnh hưởng tiêu cực đến tính sẵn sàng, hiệu quả và sự an toàn của thủy thủ. Sau một ngày không ngủ, hoạt động của thủy thủ sẽ giảm xuống đến mức vô tích sự, rất nguy hiểm" - phó đô đốc Thomas Rowden, một chỉ huy cao cấp thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, từng cảnh báo hồi năm 2016.
Thức liên tục… 96 giờ Rạng sáng 9-8, thủy thủ Chalino Sanchez bày tỏ trên Twitter: "Nếu như hải quân đã dạy tôi được điều gì thì đó là làm cách nào ngủ ít để tiếp tục làm việc". Thủy thủ Corey Alexander than phiền: "Làm việc suốt 33 giờ qua, cuối cùng cũng lên giường chuẩn bị ngủ. Bốn giờ nữa phải thức dậy để sẵn sàng trở lại làm việc...". Mới đây, hôm 21-8, Mister Gold kể trên Twitter: "Tôi từng có 20 năm trong Hải quân Mỹ. Trong 910 ngày phục vụ cuối cùng, tôi đã có hơn 750 ngày trên biển. Trong hơn 900 ngày đó, tôi đã mấy lần thức liên tục 48-96 giờ để sửa chữa vì tôi có chuyên môn kỹ thuật trong khi tàu thì thiếu người". |
Theo Lục San (Nld.com.vn)