"Nếu chúng ta gặp phải căn bệnh như thế này, với kiến thức mà hôm nay chúng ta có, tôi nghĩ phản ứng của chúng tôi sẽ nằm giữa những gì Thụy Điển đã làm, và những gì thế giới đã làm," ông Tegnell nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Thụy Điển.
Tegnell được cho là người đứng sau các biện pháp đối phó với Covid-19 của Thụy Điển. Trong khi nhiều nước châu Âu ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Thụy Điển chỉ cấm tụ tập nhiều hơn 50 người, vẫn cho phép mở cửa nhà hàng, cửa hiệu, phòng gym và trường học dành cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Có nhiều ý kiến trái chiều về các biện pháp đối phó khác biệt của Thụy Điển, tuy vậy nước này vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới, với 43 người trên trên mỗi 100.000 người.
Con số này cao hơn hẳn so với các nước Bắc Âu lân cận như Đan Mạch hay Na Uy, vốn đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch hết sức nghiêm ngặt từ khi Covid-19 bùng phát.
Đây là lần đầu tiên Tegnell công khai thừa nhận rằng các biện pháp đối phó dịch bệnh của Thụy Điển không ngăn được số trường hợp tử vong tăng cao.
"Rõ ràng vẫn còn nhiều điều có thể cải thiện trong các biện pháp đối phó với dịch bệnh ở Thụy Điển," ông cho hay.
Trước đó, Tegnell từng cho rằng dịch bệnh Covid-19 yêu cầu những biện pháp đối phó dài hơn hơn là việc đưa ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt một cách đột ngột. Dù bị các chuyên gia nước ngoài chỉ trích, biện pháp của Tegnell vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân Thụy Điển.
Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều nước EU đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi khống chế thành công Covid-19, có những dấu hiệu cho thấy Thụy Điển đang bị bỏ lại phía sau. Nhiều nước EU đã hạn chế nhập cảnh người tới từ Thụy Điển, do lo ngại dịch bệnh tại đây vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện cũng chưa có nhiều bằng chứng cho thấy việc Thụy Điển không ban hành phong tỏa có tác động hạn chế thiệt hại kinh tế, theo Bloomberg. Bộ trưởng tài chính Magdalena Andersson mới đây cảnh báo Thụy Điển sẽ phải trải qua đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ II, với mức GDP được dự báo sụt giảm khoảng 7% trong năm 2020, ngang bằng với các nước khác thuộc EU.
Chính phủ Thụy Điển cũng tỏ ra lo ngại trước những bước đi được nhiều chuyên gia đánh giá là sai lầm trong việc đối phó dịch bệnh. Hôm 01/06, thủ tướng Stefan Lofven hứa hẹn sẽ sớm mở cuộc điều tra về các phản ứng trước dịch bệnh.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)