Tuy vậy hôm 11/06, Bắc Kinh thông báo ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 55 ngày, một người đàn ông 52 tuổi họ Đường. Bệnh nhân nói ông không rời thành phố trong vòng hai tuần trước đó, và cũng không tiếp xúc với người nào từ nơi khác đến.
Nhà chức trách sớm phát hiện hàng chục ca nhiễm khác, hầu hết liên quan tới chợ thực phẩm Tân Phát Địa. Hôm 13/06, Bắc Kinh tái áp đặt các biện pháp "thời chiến" để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai. Người dân bất ngờ trước lệnh phong tỏa một phần được áp dụng tại thành phố, cho rằng đây là một cảm giác quen thuộc.
"Hai tháng nới lỏng, cuộc sống dường như đã trở lại bình thường, rồi đột nhiên chúng tôi trở lại như hồi tháng 02," Nelson Quan, một người dân hiện đang bị hạn chế đi lại tại quận Yuquan nói với Al Jazeera.
Số ca nhiễm tới lúc này vẫn là tương đối nhỏ so với bối cảnh thành phố 22 triệu dân, tuy vậy nhà chức trách đã có nhiều biện pháp nhiêm ngặt: Hơn 1.200 chuyến bay bị hủy bỏ, trường học đã đóng cửa, hơn 3,5 triệu người đã được xét nghiệm kể từ trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Chỉ vài tuần trước khi đợt bùng phát này xuất hiện, quan chức Trung Quốc tỏ ra rất tự hào khi nói về những thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, những ca nhiễm mới xuất hiện cho thấy dường như những biện pháp phòng dịch của Bắc Kinh chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.
Những ca nhiễm mới tại Bắc Kinh làm dấy lên nhiều câu hỏi đáng lo ngại, không chỉ về việc virus đã xuất hiện tại Tân Phát Địa như thế nào, mà còn về nghi vấn liệu gia cầm hay thậm chí cá có thể mang virus hay không. Các quan chức Trung Quốc nói virus có thể đã lây lan gần khu chợ từ tháng 04.
Tuy vậy một thực tế phũ phàng: Dịch bệnh Covid-19 còn lâu mới kết thúc.
Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai, những tại những nước khác thậm chí làn sóng thứ nhất còn chưa kết thúc. Trong khi Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp "thời chiến", nhiều quốc gia đang rút lui. Rơi vào trạng thái mệt mỏi, mơ hồ và bắt đầu hứng chịu hậu quả kinh tế, nhiều nước đã lựa chọn đầu hàng, thay vì hy sinh.
Tại Mỹ, phó tổng thống Mike Pence viết trên tờ Wall Street Journal rằng truyền thông đã sai lầm, nước Mỹ sẽ không phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai, nước Mỹ "đang thắng kẻ thù vô hình".
Nhiều chuyên gia, trong đó có bác sĩ Anthony Fauci, quan chức hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, không đồng tình với nhận định này.
"Lúc này tôi không muốn nói về làn sóng thứ hai, bởi chúng ta còn chưa thoát khỏi làn sóng thứ nhất," Fauci, giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói với tờ Daily Beast.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trên khắp nước Mỹ mở cửa trở lại, nhiều bang đã ghi nhận dịch bệnh đạt đỉnh, với số ca nhiễm mới mỗi ngày cao hơn nhiều so với Bắc Kinh. Tuy vậy, không địa phương nào ở Mỹ áp dụng các biện pháp giới hạn di chuyển hay phong tỏa các khu vực dân cư như Bắc Kinh.
Trên toàn cầu, số liệu cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, dù các nước đã nỗ lực trở lại bình thường. Nước Mỹ vẫn là vùng dịch lớn, cũng như Nga và Ấn Độ. Tại Brazil, nơi ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới kể từ cuối tháng 05, tổng thống Jair Bolsonaro và các chức khác đã bỏ qua những cảnh báo phong tỏa.
"Chúng tôi đang chống dịch không giống ai. Chúng tôi đã gần đạt đỉnh đường cong, chúng tôi gần như đã thách thức virus. Hãy xem nó có thể khiến bao nhiêu người nhiễm bệnh. Chúng tôi muốn biết nó mạnh đến đâu," Pedro Hallal, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Liên bang Pelotas nói với Washington Post.
Một số nước ban đầu còn tự tin về công tác phòng chống dịch bệnh, nay đã tỏ rõ lo ngại. Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi đề cao thành công của nước này trong cuộc chiến chống Covid-19 và chỉ trích những người không đồng tình với chiến lược của ông, nhưng các bác sĩ vẫn cảnh báo dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ khiến ngành y tế bị quá tải.
"Ngay cả áp lực nhỏ nhất cũng có thể khiến hệ thống y tế Ai Cập sụp đổ," một nữ bác sĩ nói với tờ Washington Post.
Một số quan chức công khai thừa nhận loài người sẽ chơi trò đuổi bắt với virus corona trong hàng tháng, thậm chí hàng năm.
"Bản thân tôi tin rằng trong năm tới, hay vài năm nữa, virus sẽ ăn sâu vào xã hội của chúng ta," Hitoshi Oshitani, nhà virus học hàng đầu Nhật Bản và cố vấn chính phủ nước này nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bổ sung thêm rằng ông chưa tin vaccine sẽ hiệu quả, và việc chờ đợi miễn dịch cộng đồng là "điên rồ".
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)