Cùng lúc, kênh Ateo Telegram dẫn nguồn tin địa phương cho biết tiếng nổ giống như tiếng đạn pháo 152 mm và chưa biết chuyện gì đã xảy ra.
Trong khi đó, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng khẳng định với hãng tin TASS rằng tình hình ở Donetsk vẫn đang yên ổn và những thông tin về vụ nổ nêu trên chưa được xác nhận.
"Tình hình ở Donetsk đang bình lặng. Thông tin về một vụ nổ ở thành phố này, vốn đang được lan truyền trên mạng xã hội, vẫn chưa được xác nhận" – DPR khẳng định.
Thông tin về vụ nổ được cho là làm rung chuyển Donetsk hôm 12-2 cũng đã bị 3 cơ quan tại DPR bác bỏ, trong đó có phái đoàn DPR tại Trung tâm Điều phối và Kiểm soát ngừng bắn (JCCC) và Cơ quan phụ trách dân sự và các trường hợp khẩn cấp (CDEM).
"Mọi thứ vẫn bình yên. Chúng tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi hoặc báo cáo nào về các sự cố trong thành phố" - CDEM thông báo.
Lực lượng dân quân địa phương cũng khẳng định với hãng tin Donetsk rằng họ không ghi nhận bất cứ vụ nổ nào ở thành phố này.
Thông tin về vụ nổ nêu trên được lan truyền không lâu sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine trước ngày 20-2, trong lúc Thế vận hội Bắc Kinh 2022 diễn ra.
Tương tự, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tình báo Mỹ khẳng định Nga có thể tấn công Ukraine sớm nhất vào ngày 15-2.
Trước những thông tin trên, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine kêu gọi công dân của họ rời Ukraine ngay lập tức. Hà Lan, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia khác cũng đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự trong khi Hàn Quốc cấm công dân nước này đến Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 12-2 xác nhận thông tin sơ tán nhân viên ngoại giao nước họ ra khỏi Ukraine, nói rằng Moscow lo sợ "những hành động khiêu khích của Ukraine hoặc những quốc gia thứ ba".
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)