Mặc dù tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu hộ tống đi cùng đều được trang bị hỏa lực hạng nặng nhưng theo một số tờ báo Mỹ, chúng không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Soái hạm của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dự kiến sẽ đến vùng biển Hàn Quốc vào cuối tuần này để thể hiện sức mạnh trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - người được cho là "hiếu chiến", luôn đe dọa đáp trả bằng một cuộc "chiến tranh tổng lực" khi Washington lên tiếng cảnh cáo các cuộc thử nghiệm tên lửa của họ.
Mặc dù USS Carl Vinson và các tàu hộ tống đi cùng đều được trang bị hỏa lực hạng nặng nhưng theo News Week, chúng không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng được cho là đang có trong tay 20-120 tên lửa đạn đạo, một số loại có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa như Scotland, Alaska hoặc Canada.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tại Ấn Độ Dương, trước khi đi tới bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Trao đổi với tờ Bloomberg News hôm thứ Tư, một số chuyên gia cho biết, để bắn hạ tên lửa đạn đạo, tàu sân bay cần được trang bị phiên bản có khả năng theo dõi tên lửa đạn đạo tầm xa của hệ thống Aegis hoặc tên lửa SM-3 với khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.
Tuy nhiên, không chỉ tàu USS Carl Vinson mà 3 tàu hộ tống (2 tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, USS Michael Murphy và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain), cùng các tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc đều không có các hệ thống mới đó.
Có vẻ thay vì mang lại một công cụ bắn hạ được các tên lửa đạn đạo đang nhắm về phía Nhật Bản, Mỹ, Canada hay một nơi nào khác nằm trong tầm bắn của chúng thì nhóm 4 tàu chiến của Mỹ sẽ hoạt động như một phương tiện răn đe được vũ trang hạng nặng.
Đề cập tới năng lực đối phó tên lửa đạn đạo của tàu USS Carl Vinson, người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói với Bloomberg News: "Chúng tôi không thảo luận về năng lực cụ thể của các hệ thống vũ khí. Không hệ thống đơn lẻ nào có thể phòng thủ trước mọi mối đe dọa. Thay vào đó cần triển khai các hệ thống tích hợp, đa lớp trên bộ và trên biển để có thể phòng thủ tên lửa".
Trong khi đó, nói về nguy cơ Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ đã khẳng định chắc nịch rằng: "Nếu tên lửa Triều Tiên bay tới, nó sẽ bị tiêu diệt".
Theo trang tin Military.com, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư, Đô đốc Harry Harris đã phản bác các thông tin mà nhiều tờ báo, trong đó có tờ Bloomberg đưa ra.
"Tôi cho rằng bài viết đó (của Bloomberg) và các bài viết tương tự đều đang đưa thông tin sai lạc. Tại Biển Nhật Bản, chúng tôi có tàu chiến trang bị khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công đạn đạo".
Ông Harris không nói cụ thể chiếc tàu nào trong khu vực có khả năng này nhưng cho biết, Triều Tiên hiện không có tên lửa đạn đạo chống hạm có thể đe dọa được Vinson và các tàu hộ tống trong nhóm tác chiến tàu sân bay.
"Với khả năng sẵn có, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson sẽ dễ dàng phòng thủ trước những thứ vũ khí mà Triều Tiên có thể triển khai để chống lại chúng.
Nếu tên lửa Triều Tiên bay tới, nó sẽ bị tiêu diệt. Tôi tin rằng nhóm tàu sân bay không chỉ có đủ khả năng để tự bảo vệ mà còn có thể triển khai sức mạnh nếu chúng tôi nhận được yêu cầu từ Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng" - ông Harris nói.
Theo Q.S (Trí Thức Trẻ)