Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/5 cho biết, các cảng của nước này ở biển Đen hiện bị phong tỏa, trong khi Nga lại kiểm soát các khu vực duyên hải dọc bờ biển Azov, nên Kiev không thể xuất khẩu "22 triệu tấn ngũ cốc nằm trong kho", KyivIndependent đưa tin.
Theo lời nhà lãnh đạo Ukraine, số ngũ cốc nói trên mắc kẹt đã gây "mất ổn định tình hình trên quy mô toàn cầu". Ông cho rằng cuộc xung đột hiện nay "làm thực phẩm trở nên đắt đỏ tại nhiều nước", nguy cơ dẫn đến nạn đói và khủng hoảng di cư.
"Đây là hàng tỷ USD mà nền kinh tế của chúng tôi cần lúc này", Tổng thống Zelensky nói. Nhiều chuyên gia mô tả số ngũ cốc của Ukraine mắc kẹt là thức ăn của hàng chục triệu người, tới từ nhiều khu vực, bao gồm cả châu Phi.
Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhất là lúa mì, khi chiếm tới 1/3 nguồn cung toàn cầu. Moscow và Kiev cũng cung cấp phân bón và nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ chốt khác cho thị trường thế giới.
Trong khi nguồn cung từ Ukraine thiếu hụt, Nga cũng bị hạn chế xuất khẩu do các lệnh trừng phạt khắt khe của phương Tây. Tình hình mùa màng thất thu ở Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như quyết định siết xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã khiến an ninh lương thực trên toàn cầu gặp thách thức.
Theo biên bản cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/5, thế giới chỉ còn đủ lúa mì trong 10 tuần và tình hình còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 30/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẵn sàng phối hợp với Ankara "thông tuyến vận tải hàng hóa qua đường biển, trong đó có hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine".
Thổ Nhĩ Kì kiểm soát eo biển Bosphorus, lối duy nhất kết nối biển Đen với các vùng biển rộng lớn.
Trước đó, khi điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Putin cũng nhấn mạnh Moscow sẵn lòng mở hành lang cho tàu bè chở ngũ cốc từ Ukraine, nhưng đổi lại, các nước phương Tây cần dỡ bỏ một số rào cản với nông sản và phân bón Nga.
Theo Thái Hà (CAND Online)