Thừa nhận của phi công Mỹ khi F-22 bỏ chạy

11/12/2017 14:15:04

Sau khi chiếc F-22 phải bỏ chạy khi bị Su-35 Nga áp sát tại Syria, phi công Mỹ đã có thừa nhận bất ngờ về siêu tiêm kích thế hệ 5 này.

Trang tin tức hàng không Aviation Week dẫn tuyên bố của vị chỉ huy cao cấp của Không quân Mỹ thừa nhận rằng, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của không lực nước này đã không thể theo dõi được các phi cơ của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.

Thừa nhận của vị chỉ huy thuộc Phi đội Trinh sát Số 95 của Mỹ đóng tại căn cứ không quân al-Dhafra ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nói rằng, khi phạm vi kiểm soát của tổ chức khủng bố IS ở Syria bị thu hẹp lại, các tiêm kích Nga có xu hướng xuất hiện ngày càng gần các chiến đấu cơ của liên minh do Mỹ lãnh đạo.

Thừa nhận của phi công Mỹ khi F-22 bỏ chạy
Tiêm kích F-22.

Trong những lần áp sát này, lực lượng liên minh phải xác định được đối thủ là loại máy bay gì và của quốc gia nào. Nhưng theo vị chỉ huy này, không giống như các chiến đấu cơ cùng thế hệ là F-35 và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư là F-15, F-22 không có khả năng hồng ngoại và quang học để cho phép quan sát mục tiêu vào ban đêm.

Ông cũng tiết lộ một điểm yếu chết người khác là F-22 không thể truyền dữ liệu thông qua mạng lưới trao đổi dữ liệu liên kết 16 (link 16) được sử dụng bởi máy bay phản lực khác của Mỹ. Điều này dẫn đến việc các phi công F-22 phải báo cáo thông tin quan sát (bằng mắt) trên sóng vô tuyến.

F-22 có một điểm yếu khác lớn hơn so với loại tiêm kích đàn em là F-35, F-22 thiếu màn hình hiển thị quan sát trên mũ bảo hiểm. Vị chỉ huy nói rằng, ông thường phải nhìn quanh (bằng mắt) để tìm kiếm những chiếc máy bay khác, thay vì nhìn thấy các mục tiêu được hiển thị tự động chính xác trên màn hình mũ đội đầu của phi công.

Với trang bị của F-22, viên chỉ huy này thừa nhận rằng, tình hình hoạt động trên không ở Syria yêu cầu thời gian phản ứng nhanh hơn so với các cuộc tập trận của Không lực Mỹ và các chiến thuật chung mà không quân Mỹ thường sử dụng. Do đó, F-22 Mỹ rất khó để phát hiện và bám đuôi các tiêm kích nhanh nhẹn của Nga, đặc biệt là Su-35 và Su-30SM.

Nói về những cuộc đụng độ với máy bay phản lực của Nga, chỉ huy đội bay nói với Aviation Week rằng, các phi công Mỹ đã cố gắng vài lần liên lạc với phi công Nga bằng các kênh truyền thông đặc biệt, nhưng những đồng nghiệp Nga thường không có phản ứng gì.

Theo người chỉ huy, không có cách nào để xác định xem các phi công Nga không sử dụng tần số liên lạc được quy định này hay là họ quyết định không trả lời liên lạc của các phi công Mỹ.

Những thừa nhận bất ngờ của viên chỉ huy Không quân Mỹ được đưa ra khiến nhiều người bất ngờ về năng lực thực sự của tàng hình cơ F-22. Và đây được coi là nguyên nhân khiến chiếc tiêm kích này phải vội vàng quay đầu rút lui khi bị Su-35 Nga mang tên lửa áp sát trên không phận Syria hồi cuối tháng 11/2017.

Vụ áp sát này được đích thân Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga kể lại, ngày 23/11, tiêm kích Su-35 Nga đã nhận lệnh xuất kích để xua đuổi chếc F-22 của Mỹ sau khi chiếc máy bay này có hành động đe dọa 2 chiếc Su-25 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ tấn công IS tại khu vực gần khu vực sông Euphrates, tỉnh Deir ez-Zor.

Tiêm kích của Mỹ đã thực hiện nhiều động tác mô phỏng đối đầu thực chiến với hai cường kích của Nga, thậm chí cả phóng mồi bẫy nhiệt. "Chiếc F-22 chỉ ngừng các hành động nguy hiểm và nhanh chóng rút lui" sau khi một tiêm kích Su-35S của Nga cơ động xuất hiện và áp sát, Tướng Igor Konashenkov cho biết.

Dù chi tiết 2 chiếc máy bay mang vũ khí hay không không được vị phát ngôn viên này nhắc đến, tuy nhiên nguồn tin từ Không quân Mỹ cho biết, khi bất ngờ áp sát chiếc F-22, tiêm kích Su-35 đã mang tới 4 đạn không đối không tầm ngắn R-73 và máy bay Nga dường như sẵn sàng so găng.

Theo Thùy Dung (Đất Việt)

Nổi bật