Ông Morrison cho biết Úc sẽ "hợp tác với các nước khác để củng cố vai trò của WTO và hiện đại hóa quy tắc của tổ chức này nếu cần thiết". "Trong các cuộc thảo luận của tôi với nhiều lãnh đạo, tôi đã nhận được sự khích lệ to lớn, thể hiện cho sự chuẩn bị sẵn sàng của Úc để chống chọi với tình trạng cưỡng ép kinh tế trong thời gian gần đây" - thủ tướng Úc phát biểu tại TP Perth trước khi lên đường đến dự hội nghị G7 tại TP Cornwall - Anh.
Vào tháng 12-2020, chính phủ Úc thông báo họ sẽ đề nghị WTO can thiệp vào tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc về lúa mạch và mong các nước khác tham gia vào vụ việc.
Trung Quốc đã chấm dứt nhập khẩu lúa mạch của Úc vào tháng 5-2020 bằng cách áp thuế hơn 80% đối với loại cây này, với cáo buộc Úc vi phạm các quy định của WTO khi trợ cấp sản xuất lúa mạch và bán ngũ cốc ở Trung Quốc với giá thấp hơn giá sản xuất.
Tình hình giao thương các mặt hàng hải sản, gỗ, thịt bò, rượu vang và than của Úc cũng bị gián đoạn khi Úc chọc giận Trung Quốc bằng cách yêu cầu điều tra độc lập nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
WTO, tổ chức đưa ra các quy tắc quản lý thương mại quốc tế, đang đối mặt với những lời kêu gọi tái cơ cấu và cải cách khi đấu tranh xây dựng một hiệp ước thương mại thế giới đã được chờ đợi từ lâu.
"Một WTO hoạt động tốt, đặt ra các quy tắc rõ ràng, phân xử các tranh chấp một cách khách quan và hiệu quả để trừng phạt các hành vi xấu khi nó xảy ra. Đây có thể là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà cộng đồng quốc tế có để chống lại các hành vi cưỡng ép kinh tế" - trích lời Thủ tướng Morrison.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ không để Úc 1 mình đối mặt với sự cưỡng ép từ Trung Quốc, đồng thời cho rằng hành vi như vậy đối với các đồng minh của Mỹ sẽ cản trở sự cải thiện trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo lời ông Morrison, cách thiết thực nhất để giải quyết sự cưỡng ép kinh tế là khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc của WTO.
Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)