Ông Attal tuần trước đã đệ đơn xin từ chức sau khi liên minh trung dung của Tổng thống Macron bị đánh bại ở vòng 2 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, ông Macron đã từ chối và yêu cầu ông Attal ở lại thêm một thời gian ngắn để duy trì sự ổn định.
Theo CNN, 8 ngày sau, Tổng thống Macron rốt cuộc đã chấp nhận để ông Attal từ chức tại một cuộc họp ở Điện Elysee tại Paris hôm 16/7, nhưng yêu cầu chính khách này tại vị cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
“Để giai đoạn này kết thúc nhanh nhất có thể, các lực lượng Cộng hòa phải hợp tác với nhau để xây dựng sự thống nhất xung quanh các dự án và hành động phụng sự người dân Pháp”, trích tuyên bố của Điện Elysee.
Theo Hiến pháp Pháp, tổng thống có quyền bổ nhiệm một thủ tướng mới. Nhưng hiến pháp không nêu chi tiết cách thức cũng như khung thời gian cho quá trình đó.
Cho đến khi một chính phủ mới được bổ nhiệm, chính phủ lâm thời sẽ nắm quyền, có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp nhưng không có quyền ban hành bất kỳ cải cách lập pháp nào.
Giới quan sát cho biết hiện vẫn chưa có ứng cử viên rõ ràng cho vai trò kế nhiệm Thủ tướng Attal. Quốc hội Pháp khóa mới sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 18/7, nhưng đất nước sẽ vẫn trong tình trạng bấp bênh về chính trị vì không đảng phái nào chiếm được đa số ghế tại cơ quan lập pháp sau 2 vòng bỏ phiếu, dẫn đến tình trạng "quốc hội treo".
Tại cuộc họp vào ngày 18/7, các nghị sĩ Pháp dự kiến sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trong 2 cuộc bỏ phiếu đòi hỏi có sự ủng hộ của đa số trong tổng số 577 nhà lập pháp. Nếu 2 cuộc bỏ phiếu đầu tiên không bầu được ai, Quốc hội sẽ phải tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ 3 để chọn ứng cử viên có tỉ lệ ủng hộ cao nhất làm lãnh đạo cơ quan này.
Sau khi từ chức, ông Attal và các bộ trưởng tái đắc cử vào Quốc hội sẽ được phép tham gia các cuộc bỏ phiếu nói trên và có khả năng mang đến các lá phiếu quan trọng trong cơ quan lập pháp bị chia rẽ.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)