Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Thái Lan về vấn đề lao động

21/11/2015 22:14:17

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 tại Kuala Lumpur ngày 21.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha về quan hệ song phương, nhất là hợp tác về lao động và nghề cá.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 tại Kuala Lumpur ngày 21.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha về quan hệ song phương, nhất là hợp tác về lao động và nghề cá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần 27 ở Malaysia ngày 21.11 - Ảnh: Lam Yên

 
Thủ tướng đề nghị hai bên thực hiện tốt Bản ghi nhớ về hợp tác lao động, đề nghị Thái Lan tạo thuận lợi cho người lao động VN tại Thái, cho phép tất cả lao động tự do VN tại Thái được đăng ký và tiếp tục công việc hiện nay. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị giao Bộ Ngoại giao hai nước lập cơ chế thảo luận về hợp tác nghề cá.
 
Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật diễn ra với một số thông tin đáng chú ý.
 
Đối với Trung Quốc, ASEAN thống nhất nâng thương mại hai chiều lên mức 1.000 tỉ USD và đầu tư hai chiều lên mức 150 tỉ USD vào năm 2020; lấy năm 2016 là năm Hợp tác giáo dục và và tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn hoá, trao đổi thanh niên, diễn đàn doanh nghiệp trẻ ASEAN-Trung Quốc.
 
Đối với Ấn Độ, ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực... Trong đó, hai bên thúc đẩy thảo luận về Hiệp định Giao thông hàng hải ASEAN-Ấn Độ nhằm tăng cường kết nối hàng hải, tái khẳng định cam kết và thúc đẩy sáng kiến nhằm tăng thương mại hai chiều lên mức 200 tỉ USD vào năm 2022.
 

Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ ngày 21.11 ở Malaysia - Ảnh: Lam Yên

 
Đối với Mỹ, ASEAN nhất trí nâng quan hệ ASEAN-Mỹ thành đối tác chiến lược và sẽ tổ chức Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ trong năm 2016. Hai bên cam kết hợp tác đấu tranh chống khủng bố, buôn bán người, cướp biển... Hội nghị cũng ghi nhận việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế.
 
Tại các hội nghị trên, về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo nhiều nước chia sẻ quan ngại những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm xói mòn lòng tin, đe doạ hoà bình, ổn định trong khu vực. Các nước nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) 1982 và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
 
Theo Lam Yên (Thanh Niên Online)