Hiện trường vụ tai nạn máy bay Airbus A321 của Nga tại bán đảo Sinai hồi cuối tháng 10. Ảnh: RT |
Trước đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, khuyến cáo các bên không nên vội vã đưa ra kết luận về nguyên nhân tai nạn của chuyến bay số hiệu 7K9268 thuộc hãng Kolavia. Theo ông, ủy ban điều tra quốc tế gồm các chuyên viên Nga, Ai Cập và các bên liên quan vẫn chưa thống nhất về kết luận sơ bộ của vụ việc.
Trong khi Nga thận trọng, chính phủ Ai Cập phát động cuộc điều tra riêng về khả năng một quả bom đã phát nổ trên phi cơ khi nó đang ở giữa hành trình.
Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Israel cũng lần đầu tiên lên tiếng về vụ tai nạn của phi cơ Nga, cho rằng tấn công khủng bố "là nguyên nhân có khả năng xảy ra cao nhất".
"Chúng tôi không tham gia cuộc điều tra. Tuy nhiên, dựa theo những gì được biết, chúng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu kết luận không khẳng định đây là vụ khủng bố", người phát ngôn của bộ trưởng Quốc phòng Israel nói.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 9/11 cũng bày tỏ quan điểm rằng khả năng máy bay bị cài bom rất cao. "Rất có thể phiến quân IS liên quan đến sự việc. Đây không hẳn là vụ tấn công trực tiếp do IS gây ra, mà có thể là cá nhân chịu ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền của IS và tự hành động mà không cần chỉ đạo", Ngoại trưởng Hammond nói.
Ngoại trưởng Anh nhận định về nguyên nhân thảm kịch dựa trên thông tin tình báo mà nước này nhận được. Tuy nhiên, ông Hammond phê phán Nga và Ai Cập vội vã khi công bố tin máy bay có thể bị đánh bom trước khi cuộc điều tra kết thúc.
Đêm 9/11, Bộ Nội vụ Ai Cập cho hay, Ashraf Ali al-Gharably, thủ lĩnh của nhóm phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên bán đảo Sinai, đã bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đọ súng tại khu phố el-Marg, phía tây bắc thủ đô Cairo.
Theo Minh Anh (Zing.vn)