Video: Khoảnh khắc nghi phạm xả súng điên cuồng vào những người có mặt tại nhà thờ ở New Zealand
Sự bình tĩnh và lòng trắc ẩn được Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thể hiện khi phản ứng với việc 50 người Hồi giáo bị nghi phạm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sát hại đã làm tăng uy tín của bà, giữa lúc sự nổi tiếng của bà bị những nhà phê bình nghi ngờ.
Reuters cho biết trong những giờ sau cuộc tàn sát ở thành phố Christchurch và giữa lúc người dân New Zealand "quay cuồng", bà Ardern, 38 tuổi, đã xử lý rất khéo léo.
Bà nhanh chóng gọi vụ xả súng - đẫm máu nhất lịch sử hiện đại của New Zealand - là một vụ khủng bố và bắt đầu trấn an quốc gia này, nơi vốn xa lạ với những hành vi bạo lực và nỗi sợ hãi đã gây đau đớn cho nhiều quốc gia khác trong hai thập kỷ qua.
Khăn trùm đầu và luật siết chặt súng
Một ngày sau vụ tấn công, bà Ardern dẫn đầu một nhóm đa đảng đến thăm các gia đình nạn nhân và các thành viên cộng đồng Hồi giáo. Trùm chiếc khăn đội đầu màu đen, bà ôm họ, lắng nghe và an ủi họ với sự tôn trọng hết mực.
"Khi thủ tướng đội khăn trùm đầu, điều đó có ý nghĩa lớn với chúng tôi", Dalia Mohamed, người đang chịu tang Hussein Mustafa, một tình nguyện viên tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor, nói với Reuters.
Bà Ardern cũng kịp thời tuyên bố sẽ siết chặt luật lệ về súng, điều có thể gây khó khăn về mặt chính trị nhưng được chính phủ của bà ưu tiên.
"Sự thể hiện của Ardern rất xuất sắc. Tôi tin rằng bà ấy sẽ được ca tụng ở cả trong nước và quốc tế", nhà bình luận chính trị Bryce Edwards của Đại học Victoria ở Wellington cho biết.
Bà Ardern nổi lên trong cuộc bầu cử New Zealand năm 2017 và được đánh giá như một phần của làn sóng các nhà lãnh đạo trẻ cấp tiến bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Việc bà Ardern mang thai, nghỉ thai sản và sinh con gái khi còn đương chức khiến bà được nhiều người coi như biểu tượng cho sự tiến bộ của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo. Cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto là nhà lãnh đạo duy nhất từng sinh con khi tại nhiệm vào năm 1990.
Việc xuất hiện trên chương trình truyền hình của Mỹ và mang cô con gái sơ sinh đến phòng họp Liên Hợp Quốc vào năm 2018 cũng thúc đẩy sự nổi tiếng của bà.
Sự nổi lên nhanh chóng của Ardern để trở thành thủ tướng trẻ nhất New Zealand và là người phụ nữ thứ ba giữ chức vụ này đã khiến người dân nước này đặt ra cụm từ “Jacinda-mania” (hưng cảm Jacinda).
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ sự phô trương này chỉ che mờ năng lực thực chất và bản lĩnh thiếu sót của bà Ardern.
Cơ hội chứng tỏ bản lĩnh
Tháng 10/2018, khi bà Ardern hoàn thành năm đầu của nhiệm kỳ, các nhà bình luận chính trị nhận định bà đang chuyển hướng chính phủ sang cánh tả. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng rất ít công việc được hoàn thành và chỉ trích bà Ardern vì không đủ mạnh tay và khiến công việc tiến triển chậm.
Họ cũng chỉ trích cách bà xử lý nền kinh tế khi niềm tin của giới doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, sau khi bà hạn chế quyền sở hữu tài sản nước ngoài và tăng lương tối thiểu.
Chính phủ của bà cũng phải đối mặt với các cuộc đình công lớn của các giáo viên tiểu học, y tá và tài xế xe buýt yêu cầu tăng lương mà không thể đưa ra giải pháp ngay lập tức.
Tuy nhiên, bi kịch của thành phố Christchurch đã cho bà Ardern cơ hội để nói với người dân New Zealand về những gì đất nước của họ đại diện, để loại bỏ bất kỳ cảm giác tự nghi ngờ nào.
Bà nói rằng cuộc tấn công xảy ra không phải vì đất nước của họ là nơi dung chứa sự thù ghét, phân biệt chủng tộc hoặc cực đoan.
"Chúng ta được chọn vì thực tế rằng chúng ta không phải là những điều trên. Bởi vì chúng ta đại diện cho sự đa dạng, lòng tốt, lòng trắc ẩn.
Một ngôi nhà cho những người chia sẻ giá trị của chúng ta. Nơi trú ẩn cho những ai cần nó.
Và những giá trị đó sẽ không và không thể bị lung lay bởi cuộc tấn công này", bà nói trong bài phát biểu toàn quốc với giọng đôi lúc lạc đi vì xúc động.
Trong khi Tổng thống Donald Trump nói rằng ông không thấy sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc da trắng mặc dù nó có thể là một vấn đề ở New Zealand, điều mà một số người cho là lời khiển trách của tổng thống Mỹ, bà Ardern chỉ nói rằng ông Trump đã gọi điện để gửi lời chia buồn và hỏi Mỹ có thể hỗ trợ gì cho New Zealand.
"Thông điệp của tôi là: Sự thông cảm và tình yêu đối với tất cả cộng đồng Hồi giáo", bà nói và cho biết thêm rằng tình cảm đó vẫn đã tồn tại trong nước.
"Chúng ta có thể thừa nhận với trái tim rộng mở và những cái đầu tỉnh táo rằng @jacindaardern đã thực hiện công việc phi thường đại diện cho quốc gia của chúng ta, nỗi đau và quyết tâm của chúng ta", nhà báo nổi tiếng và người dẫn chương trình truyền hình Eric Young nhận xét trong một bài đăng trên Twitter.
"Tôi mong muốn với tất cả tấm lòng rằng bà ấy không phải làm điều này, nhưng tôi tự hào vì những gì bà ấy đã làm", Eric Young viết.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)