Nội bộ liên minh của thủ tướng Muhyiddin đã bị suy yếu trong thời gian gần đây. Chưa rõ việc ông từ chức có làm giảm bớt khủng hoảng chính trị hay không.
Cung điện cho biết việc tổ chức bầu cử lúc này không phải là phương án tốt nhất, và nhà vua Al-Sultan Abdullah muốn ông Muhyiddin tiếp tục làm thủ tướng tạm quyền.
"Nhà vua đã nhận được đơn từ chức của ông Muhyiddin Yassin và toàn bộ nội các, có hiệu lực ngay lập tức," thông báo trên Facebook có đoạn.
"Nhà vua hài lòng với việc ông Muhyiddin tiếp tục làm thủ tướng tạm quyền cho tới khi tân thủ tướng được bổ nhiệm," thông báo cho biết thêm.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp rộng rãi, ông Muhyiddin cho biết ông nộp đơn từ chức lên nhà vua bởi đã không còn nhận được tín nhiệm của đa số các nghị sĩ, bổ sung thêm rằng ông hy vọng một chính phủ mới sẽ sớm được thành lập.
Cạnh tranh quyền lực xảy ra trong nội bộ liên minh cầm quyền trong bối cảnh thủ tướng Muhyiddin tìm cách khởi động lại nền kinh tế và đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Nhà vua Malaysia cho rằng việc tổ chức bầu cử giữa đại dịch là không thích hợp. Tỷ lệ ca nhiễm và tử vong trên mỗi triệu dân của Malaysia hiện đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á, theo Reuters.
Quyền quyết định được cho là nằm trong tay nhà vua, người có thể bổ nhiệm thủ tướng trong số các nghị sĩ được bầu, dựa trên việc ông đánh giá người nào có thể nắm đa số.
Sức ép gia tăng đối với ông Muhyiddin sau khi một số nghị sĩ đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), khối lớn nhất trong liên minh cầm quyền, rút ủng hộ.
Muhyiddin cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra do ông không chấp thuậ các yêu cầu chẳng hạn như hủy bỏ truy tố hối lộ nhắm vào một số cá nhân.
Các chính trị gia UMNO đối mặt với cáo buộc tham nhũng bao gồm cựu thủ tướng Najib Razak và chủ tịch đảng Ahmad Zahid Hamidi. Họ đã phủ nhận các cáo buộc này, và đều đã rút ủng hộ đối với ông Muhyiddin trong tháng 08.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)