Trước đó, Lebanon đã bị kéo vào cuộc xung đột khu vực giữa Ả Rập Saudi và Iran khi ông Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức tại Riyadh vào ngày 4-11, viện dẫn lý do sợ bị ám sát.
Giới chức Lebanon cáo buộc Ả Rập Saudi ép ông Hariri từ chức và giam giữ ông trái ý nguyện. Ả Rập Saudi và ông Hariri bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun - đồng minh của Hezbollah - cũng không chấp nhận tuyên bố từ chức của ông Hariri trong lúc ông ở nước ngoài.
Trong khi đó, các đồng minh Ả Rập Saudi của ông Hariri cáo buộc Hezbollah và Iran gieo rắc xung đột ở Trung Đông.
Ông Hariri hôm 5-12 trong một tuyên bố cho biết tình hình đã được giải quyết sau khi mọi thành viên chính phủ đồng ý đứng ngoài các cuộc xung đột liên quan đến các quốc gia Ả Rập.
"Mọi phe phái chính trị của chính phủ Lebanon quyết định không tham gia vào các cuộc xung đột, mâu thuẫn, chiến tranh hay các vấn đề nội bộ của các quốc gia Ả Rập anh em. Mục đích là bảo vệ các mối quan hệ kinh tế và chính trị của Lebanon" – ông Hariri tuyên bố.
Ông Hariri cảnh báo rằng các cuộc xung đột trong khu vực có thể dễ dàng kéo Lebanon vào một con đường nguy hiểm trong khi các vấn đề dẫn đến mâu thuẫn có thể bị phớt lờ.
"Chúng ta phải giải quyết vấn đề này và đưa ra thông báo đứng ngoài các cuộc xung đột trong khu vực bằng lời nói và hành động" - ông Hariri khẳng định.
Theo Reuters, ông Hariri sẽ đến thủ đô Paris - Pháp vào ngày 8-12 để tham dự cuộc họp của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Lebanon, tổ chức bao gồm 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.
Cuộc họp nêu trên nhằm gia tăng sức ép và kêu gọi Ả Rập Saudi lẫn Iran không can thiệp vào Lebanon, giới chức ngoại giao khẳng định.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)