Trong một bài xã luận đăng tải trên tạp chí Newsweek hôm 6/7, ông Orban đã đề cập đến các xu hướng mới nhất liên quan đến tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu và Hungary là thành viên kể từ năm 1999.
Ông Orban nhấn mạnh sự tham gia tích cực của Hungary vào nhiều hoạt động và sáng kiến của NATO trong những năm qua, cũng như việc nước này tuân thủ mục tiêu của tổ chức về việc chi 2% GDP cho quốc phòng.
Nhà lãnh đạo Hungary lưu ý, tổ chức khi đất nước ông mới gia nhập cách đây 25 năm là một “dự án hòa bình” và một “liên minh quân sự để phòng thủ”. “Tuy nhiên, ngày nay, thay vì hòa bình, chương trình nghị sự của NATO là theo đuổi xung đột; thay vì phòng thủ lại là tấn công”, ông Orban nhận xét.
Theo ông Orban, “ngày càng có nhiều tiếng nói trong NATO nhắc đến sự cần thiết hoặc thậm chí là không thể tránh khỏi của các cuộc đối đầu quân sự với các trung tâm quyền lực địa chính trị khác trên thế giới”. Người đứng đầu Budapest khuyến cáo thái độ này “giống như một lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Ông Orban cũng đề cập đến việc một số quốc gia thành viên NATO gần đây đã cân nhắc khả năng triển khai một chiến dịch của khối ở Ukraine.
Cuối tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố không loại trừ khả năng điều động binh lính Pháp tới Ukraine để trợ giúp Kiev chống lại quân Nga. Mặc dù đề xuất của ông Macron nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ Đức và các nước thành viên NATO khác, lãnh đạo Điện Elysee tiếp tục lặp lại ý tưởng gây tranh cãi đó trong nhiều dịp khác kể từ đó.
Hồi tháng 5, Estonia và nước láng giềng Lithuania báo hiệu sẵn sàng gửi quân tới Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ hậu cần và phi chiến đấu khác.
Ông Orban, người cực lực phản đối sự can dự của phương Tây vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khuyến cáo nếu NATO không thay đổi cách hành xử như trên ngay bây giờ, “đó sẽ là hành động tự diệt vong”.
Các lãnh đạo NATO và những nước thành viên khác của khối hiện chưa lên tiếng phản hồi trước cảnh báo mới của Thủ tướng Hungary.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)