Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen dọa sẽ cấm Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) tham gia bầu cử nếu không chịu tìm một lãnh đạo khác thay ông Kem Sokha.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn mới nhất của chính quyền Campuchia càng củng cố khả năng đảng CNRP sẽ bị loại trước kỳ bầu cử diễn ra năm sau.
Đảng CNRP trước đó đã tuyên bố sẽ không thay chủ tịch Kem Sokha bằng người khác.
"Họ phải chỉ định một quyền chủ tịch khác. Nếu họ không tuân theo luật, họ sẽ không tồn tại và không có quyền hoạt động chính trị… Lựa chọn là của họ, không phải của tôi" - người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan trả lời hãng tin Reuters.
Con gái ông Kem Sokha, bà Kem Monovithya - một thành viên CNRP, khẳng định đảng này sẽ không chỉ định lãnh đạo mới.
"Đảng cầm quyền có thể làm gì cũng được với kế hoạch chia để trị của họ" - bà Monovithya bình luận.
Các quan chức đối lập cáo buộc Thủ tướng Hun Sen muốn làm suy yếu và đóng cửa đảng CNRP trước kỳ bầu cử, nguyên nhân xuất phát từ sự thành công của đảng này trong kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 6 vừa qua, đặc biệt tại khu vực thủ đô Phnom Penh.
Thêm nhiều vụ bắt giữ
Ngày 6-9, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố khả năng sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ sau "hành động phản quốc" (của ông Sokha), và vụ việc này củng cố thêm "đòi hỏi" rằng ông phải tiếp tục nắm quyền.
"Tôi đã quyết định tiếp tục công việc của mình - không ít hơn 10 năm nữa" - Thủ tướng Hun Sen phát biểu khi thăm một nhà máy may mặc.
Ông Kem Sokha đã trở thành lãnh đạo đảng CNRP thay cho ông Sam Rainsy hồi tháng 2 năm nay sau khi Campuchia thông qua luật mới cấm các đảng phái chính trị hoạt động nếu lãnh đạo của họ bị phát hiện phạm tội. Ông Rainsy đang sống lưu vong để tránh một bản án mà ông gọi là "mang động cơ chính trị".
Luật pháp Campuchia quy định một đảng chính trị có thời hạn 90 ngày để thay chủ tịch nếu người đó qua đời, từ chức hoặc bị kết án.
Thủ tướng Hun Sen trong lần xuống tặng tiền cho người dân nghèo ở vùng ven thủ đô Phnom Penh hôm 30-8 |
Các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên án vụ bắt giữ ông Kem Sokha và các nhà hoạt động chỉ trích Thủ tướng Hun Sen.
Trong khi đó, Trung Quốc - đồng minh thân cận của ông Hun Sen, lên tiếng ủng hộ Phnom Penh.
"Chúng tôi không quan tâm đến người ngoài. Chúng tôi chỉ quan tâm đến an ninh quốc gia. Chúng tôi không thuộc về ai" - người phát ngôn Phay Siphan nhấn mạnh.
Ông Kem Sokha chính thức bị truy tố "tội phản quốc và làm gián điệp" vào ngày 5-9 sau khi một đoạn video có từ năm 2013 xuất hiện, trong đó ông Sokha nói với những người ủng hộ rằng ông nhận được sự hậu thuẫn và lời khuyên từ người Mỹ cho chiến dịch tranh cử.
Thủ tướng Hun Sen hôm 3-9, vài giờ sau khi ông Kem Sokha bị bắt giữ, đã nói thẳng vụ việc do "bàn tay Mỹ" điều khiển.
Thời điểm xét xử ông Kem sẽ do tòa chỉ định nhưng theo luật ở Campuchia, mức án cao nhất cho tội danh trên có thể lên đến 30 năm tù.
Hôm 4-9, tờ nhật báo tiếng Anh trung lập Cambodia Daily cũng đã bị chính quyền Phnom Penh buộc đóng cửa do chưa nộp thuế lên đến 6,3 triệu USD.
Truyền thông phương tây cho biết một số cơ quan truyền thông, trang mạng có phong cách đưa tin không phù hợp với chính quyền cũng đã bị đóng cửa.
Theo Minh Trung (Tuổi Trẻ)