Thủ tướng Australia Malcom Turnbull phát biểu mở màn đối thoại Shangri-La tại Singapore. Ảnh: Trọng Giáp |
"Trung Quốc, với hành vi cưỡng ép, sẽ nhận thấy các nước láng giềng phẫn nộ trước những yêu cầu buộc họ nhượng bộ quyền tự quyết và không gian chiến lược và tìm cách đối trọng với quyền lực của Bắc Kinh bằng cách thúc đẩy các liên minh cùng các quan hệ đối tác, giữa họ với nhau và đặc biệt là với Mỹ", Thủ tướng Turnbull hôm qua phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la tại Singapore.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với gần hết khu vực. Nước này còn bồi đắp, quân sự hoá phi pháp 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thủ tướng Australia cho rằng Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hoà bình và hoà hợp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy, cũng sẽ mất nhiều nhất nếu điều đó bị đe doạ. Trung Quốc "sẽ thành công nhất khi tôn trọng chủ quyền của các nước khác", ông nói.
Trả lời câu hỏi của một quan chức quân sự Trung Quốc, Turnbull cho rằng một vùng biển an toàn, tự do là nơi trật tự dựa trên các luật lệ được tôn trọng, các nước tránh hành động đơn phương, Trung Quốc tôn trọng quyền của các nước khác, "cá lớn tôn trọng cá bé và tôm tép".
Bài phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Australia Turnbull tại Đối thoại Shangri-la đề cập đến một loạt chủ đề nóng, từ bồi đắp và quân sự hoá khu vực tranh chấp, mối đe doạ gia tăng từ Triều Tiên, tới sự hiện diện của các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á, cam kết của Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở khu vực.
Thủ tướng Turnbull phát biểu trước hàng trăm quan khách tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Giáp |
Ông Turnbull cho rằng Trung Quốc có cơ hội tốt nhất để xây dựng lòng tin bằng cách sử dụng đòn bẩy, xử lý hành vi "bất hợp pháp, khiêu khích và nguy hiểm" của Triều Tiên. "Những con mắt của thế giới đang nhìn vào Bắc Kinh".
Thủ tướng Australia cũng tuyên bố dù Mỹ đã có "những quyết định đáng thất vọng" khi rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Biến đổi Khí hậu Paris, không nên vội vàng cho rằng Washington không còn can dự đến khu vực.
Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều đã có những chuyến thăm khu vực. Tổng thống Trump cam kết thăm khu vực và dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong năm nay.
Được tổ chức thường niên từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến có bài phát biểu quan trọng, định hình chính sách của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương sáng nay.
Theo Trọng Giáp (VnExpress.net)