Thủ tướng Anh phủ nhận có quỹ đen ở nước ngoài

06/04/2016 07:34:39

Ông David Cameron khẳng định không có các quỹ cá nhân ở nước ngoài, trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép về nghi vấn tài chính của người cha trong vụ Hồ sơ Panama.

Ông David Cameron khẳng định không có các quỹ cá nhân ở nước ngoài, trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép về nghi vấn tài chính của người cha trong vụ Hồ sơ Panama.

Đối mặt với lời gọi của Công đảng về việc điều tra tất cả những người liên quan đến nghi vấn, bao gồm cả gia đình thủ tướng, ông Cameron khẳng định tài sản cá nhân chỉ gồm tiền lương, một số tiền tiết kiệm và một ngôi nhà.

"Tôi không sở hữu cổ phiếu, không có các quỹ ở nước ngoài, không có tiền chuyển ra nước ngoài, không có gì giống như vậy cả", AFP dẫn lời ông Cameron phát biểu ngày 5/4.
 
Thủ tướng Anh đồng thời nhấn mạnh "không có thủ tướng nào hành động nhiều hơn" trong việc giải quyết vấn đề trốn thuế. Theo Cameron, Anh sẽ xem xét kỹ vụ rò rỉ Hồ sơ Panama. 
 

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Telegraph

 
Các tài liệu bị rò rỉ từ hãng luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy một quỹ đầu tư do ông Ian Cameron, người cha quá cố của thủ tướng Anh, đồng sáng lập đã trốn thuế tại Anh 30 năm nhờ một công ty ma tại Bahamas.

Ông Ian Cameron hỗ trợ thành lập quỹ Blairmore Holdings Inc ở Bahamas vào đầu những năm 1980 và là một trong 5 giám đốc trụ sở tại Anh trước khi qua đời năm 2010. Hoạt động ở nước ngoài của ông thuộc phạm vi công khai, nhưng các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng quỹ đầu tư đã thuê người dân địa phương ký giấy tờ để tránh phải trả thuế ở Anh.

"Trong 30 năm, Blairmore chưa bao giờ trả thuế ở Anh từ lợi nhuận",Guardian cho hay. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quỹ này có hoạt động bất hợp pháp hay gia đình không trả thuế cho các tài sản hồi hương hay không.

Sự việc đang gây áp lực cho ông Cameron, người dẫn dắt các nỗ lực quốc tế nhằm cải thiện tình hình minh bạch tài chính. Trong khi đó, chính phủ Anh sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng vào tháng tới.

Ngày 3/4, báo Đức Süddeutsche Zeitung tiết lộ về 11,5 triệu tài liệu liên quan đến các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Giới truyền thông quốc tế gọi chúng là "Hồ sơ Panama" (Panama Papers). Đây được đánh giá là vụ rò rỉ thông tin quy mô lớn chưa từng có, vượt qua cả các vụ việc liên quan đến Wikileaks hay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

Công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm của những tài liệu mật vừa rò rỉ, là nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới. Hãng này từng cung cấp dịch vụ cho hơn 300.000 công ty. Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới, với hệ thống 600 người tại 42 quốc gia. Hãng có hoạt động ở các "thiên đường trốn thuế" như Thuỵ Sĩ, Cyprus, và quần đảo Virgin thuộc Anh.

Hồ sơ Panama đã làm một loạt chính phủ lao đao. Thủ tướng Iceland ngày 5/4 tuyên bố từ chức sau sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập, do ông và vợ có tên trong vụ rò rỉ thông tin này.
 
>> Tài liệu Panama: Hành trình hé lộ bí mật của nguồn tin nặc danh
>> Ai đứng sau “cơn địa chấn” Hồ sơ Panama?
>> Thành Long có tên trong danh sách của "Hồ sơ Panama"
>> "Tài liệu Panama" và tiết lộ động trời về các chính trị gia
>> Các lãnh đạo thế giới nói gì về "Hồ sơ Panama"
 
Theo Hoàng Anh (Zing.vn)

Nổi bật