Thông tin chia sẻ từ cảnh sát điều tra của Anh cho đồng nghiệp Mỹ đã bị rò rỉ ra báo chí Mỹ. Câu chuyện đó đang trở thành vấn đề quan hệ ngoại giao.
Cảnh sát Anh tiến hành lục soát tại khu vực phía nam thành phố Manchester ngày 24-5 |
Hãng tin Reuters vừa dẫn nguồn từ chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Theresa May đã đề cập vấn đề rò rỉ tin tức và hình ảnh của cuộc điều tra tại Manchester với tổng thống Mỹ Donald Trump khi hai người dự hội nghị NATO tại Brussels.
Phía Anh hiện đang rất tức giận việc cơ quan chức năng Mỹ, không rõ vì lý do gì, để lộ cả tin tức lẫn hình ảnh của cuộc điều tra cho truyền thông Mỹ.
Truyền thông cho biết Bộ nội vụ Anh đang "nổi điên". Nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã gọi điện trực tiếp cho Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly.
Có tin bà chỉ trích cả Bộ An ninh Nội địa Mỹ và các cơ quan tình báo Mỹ sau khi danh tính nghi phạm và những hình ảnh cùng chi tiết tiến trình điều tra bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông của Mỹ trước khi phía Anh sẵn sàng công bố.
Phía Anh cho rằng kiểu chơi "cướp cò" này sẽ làm "gây stress" ảnh hưởng tiêu cực tới các nạn nhân, thân nhân của họ cũng như công chúng
Một quan chức chính phủ Anh đã bày tỏ “giận dữ”, cho rằng việc rò rỉ những thông tin như vậy là “không thể chấp nhận” và sẽ không được tái diễn.
Về những tấm ảnh hiện trường đăng trên tờ The New York Times của Mỹ sáng nay, nguồn tin chính phủ Anh cho biết những bức ảnh này do cảnh sát điều tra Anh chụp và chia sẻ cho các đồng nghiệp Mỹ.
Hình ảnh hiện trường của thiết bị kích nổ - Ảnh: NYT |
Hình ảnh hiện trường của mẩu vải túi đeo của hung thủ còn sót lại sau khi bom phát nổ - Ảnh: Reuters |
Thực tế thì những hình ảnh đó đã giúp các chuyên gia xác định được mục đích của thủ phạm là gây sát thương cao nhất cho những người xung quanh trong vụ kích nổ tại Manchester Arena tối 22-5.
Thông qua 8 bức ảnh công bố trên tờ New York Times, các phân tích ban đầu cho thấy nghi phạm đánh bom Salman Ramadan Abedi đã mang theo "một thiết bị tự chế tinh vi" giấu trong một chiếc ba lô hoặc trong áo.
Theo báo New York Times, phân tích vị trí của thi thể các nạn nhân so với thi thể của kẻ tình nghi cho thấy quả bom có sức công phá lớn với tốc độ nhanh và được nhồi nhét thêm các mảnh kim loại.
Các tấm ảnh cho thấy một mảnh nhỏ của một chiếc ba lô Karrimor màu xanh dương, các loại đinh ốc kim loại và phần còn lại của một viên pin và một thiết bị kích nổ cầm tay với dây nối.
Theo hình ảnh, thiết bị nổ có một bảng mạch nhỏ bên trong, có thể nối với một hệ thống kích nổ dự phòng.
Tờ nhật báo của Mỹ nhận định việc có thêm thiết bị kích nổ dự phòng cho thấy có khả năng quả bom không đơn giản như nhiều thiết bị nổ sơ sài, hoạt động may rủi và dễ hư hỏng khác trong nhiều vụ khủng bố.
Mảnh kim loại nhồi trong bom để gây sát thương cao hơn - Ảnh: NYT |
Mảnh kim loại trong bom gây sát thương - Ảnh: NYT |
Liên quan đến quá trình điều tra về vụ đánh bom này, sáng sớm 25-5, cảnh sát Anh đã tiến hành kích nổ có kiểm soát tại một địa điểm ở khu vực Moss Side phía Nam thành phố Manchester trong một cuộc khám xét.
Theo cảnh sát, cuộc điều tra vụ đang diễn biến nhanh và cho đến nay, họ đã bắt giữ thêm 2 đối tượng mới nâng đối tượng tình nghi bị bắt giữ chủ yếu tại Manchester lên con số 8.
Thông tin đến giờ cho biết cha và em trai của nghi phạm Abedi đã bị bắt tại Tripoli (Libya) và có nguồn tin cho biết em trai hung thủ biết anh mình sắp thực hiện tấn công tại Anh.
Hung thủ Abedi cũng mới về quê cha ở Libya và quay lại châu Âu chỉ vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công tại Manchester Arena.
Bộ Nội vụ Pháp trong khi đó tin rằng Abedi đã về Libya và có sang Syria. Nhiều khả năng đai bom hoặc quả bom hắn mang trên người là do kẻ khác làm cho và hắn chỉ là kẻ "tử vì đạo".
Theo Duy Long (Tuổi Trẻ)