Sự việc xảy chục năm về trước và Bệnh viện Đại học An Huy thuộc tỉnh An Huy trở thành tâm điểm của bão chỉ trích trên mạng xã hội sau khi giới truyền thông loan tin về vụ việc vào ngày 20-2.
Cụ thể, một cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Đại học An Huy vào năm 2012 vì đứa con gái đầu của họ mắc bệnh hiểm nghèo. Thời điểm đó, người vợ hơn 40 tuổi nên bà phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật để có thể thụ tinh.
Hai vợ chồng sinh con trai vào năm 2013 sau khi điều trị IVF thành công.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn, cặp vợ chồng cảm thấy nghi ngờ vì con không giống cả cha lẫn mẹ. Năm 2020, họ kiểm tra ADN và phát hiện họ không hề có mối liên hệ di truyền với đứa con.
Do đó, họ đã kiện bệnh viện vào năm ngoái vì vi phạm quyền sinh sản.
Tòa án phán quyết bệnh viện đã không kiểm tra phôi thai trước khi cấy vào cơ thể người mẹ. Tòa án yêu cầu bệnh viện chịu trách nhiệm và bồi thường 640.000 nhân dân tệ (93.000 USD) cho hai vợ chồng.
Một trung tâm nhận dạng tư pháp ở Bắc Kinh do tòa án chỉ định cho biết họ phát hiện ra rằng khi cấy ghép phôi thai vào tử cung, các bác sĩ đã không ghi lại thời gian cũng như nơi họ lấy phôi đông lạnh. Trung tâm nhận dạng tư pháp kết luận rằng bệnh viện mắc sai lầm y tế nghiêm trọng.
Người chồng nói với báo chí rằng anh rất giận và đau đớn khi phát hiện sự thật. Sau phán quyết, ông không hài lòng với việc chỉ được bồi thường và muốn tìm cha mẹ ruột của con trai "nhầm lẫn", cũng như chuyện gì đã xảy ra với phôi thai của hai vợ chồng.
Người chồng bức xúc: "Tiền bồi thường không có ý nghĩa gì với tôi vì tôi đã qua tuổi có thể sinh con khác. Lúc này tôi chỉ muốn tìm cha mẹ ruột của đứa trẻ để cháu có thể nhận sự hỗ trợ y tế nếu gặp tai nạn".
Người chồng nói rằng Bệnh viện Đại học An Huy nổi tiếng với công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng, đội ngũ nhân viên của họ đã nhầm lẫn phôi thai của ông. Khi ông yêu cầu bệnh viện trả lời, họ đáp rằng ông nên cởi mở và từ bỏ nỗi ám ảnh về quan hệ ruột thịt.
Theo tờ South China Morning Post, người chồng cho biết ông chưa nói sự thật với con trai và vẫn coi như con ruột.
Động thái của bệnh viện dẫn đến làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy sốc về sự nhầm lẫn, đồng thời cáo buộc bệnh viện vô cảm với yêu cầu chính đáng, hợp pháp từ khách hàng.
Một cư dân mạng bình luận: "Người ta hy sinh sức khỏe và khoản tiền lớn để sinh con. Họ sẽ nhận con nuôi nếu họ không quan tâm tới mối quan hệ ruột thịt".
Trang Sixth Tone cho biết mỗi năm có khoảng 300.000 ca thụ tinh ống nghiệm ở Trung Quốc. Giới chức y tế Trung Quốc ước tính tỉ lệ phụ nữ vô sinh ở nước này vào khoảng 7-10%. Các bệnh viện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Trung Quốc phải theo dõi thai nhi trọn đời, lưu trữ vĩnh viễn các hồ sơ pháp lý và y khoa.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)