Trong phiên tòa diễn ra hôm 17-1 ở thị trấn ven biển Malindi, thẩm phán đã đưa ra yêu cầu tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần của 31 bị cáo trước khi họ chính thức quay lại tòa vào ngày 6-2. Theo điều tra, Mackenzie, người đứng đầu Nhà thờ Tin lành Quốc tế, đã ra lệnh cho tín đồ ở miền Đông Nam Kenya bỏ đói bản thân và con cái họ đến chết để có thể lên thiên đàng trước khi thế giới rơi vào ngày tận thế. Cả nhóm đối tượng được cho là thực hiện nhiệm vụ mà nhà truyền giáo Paul Mackenzie đưa ra là đảm bảo không ai được bỏ nhịn ăn hoặc sống sót để rời khỏi khu rừng Shakahola.
Trong khu rừng Shakahola, nhà chức trách đã tiến hành khai quật nhiều tháng, từ đó phát hiện hơn 400 thi thể. Sự việc trở thành một trong những thảm kịch liên quan đến giáo phái tồi tệ nhất thế giới trong lịch sử gần đây. Một số tín đồ của Mackenzie đã được giải cứu trong tình trạng hốc hác, suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nhân chứng cho hay, Mackenzie đã lên kế hoạch về nhịn đói hàng loạt theo 3 giai đoạn: đầu tiên là trẻ em, sau đó là phụ nữ và nam thanh niên, và cuối cùng là những người đàn ông.
Năm 2002, tại khoảnh sân đối diện trường học Công giáo ở Malindi, từ một lái xe taxi, Mackenzie bỗng trở thành thủ lĩnh giáo phái với kênh truyền hình riêng. Thủ lĩnh đã cấm các thành viên giáo phái đưa con đến trường học và đến bệnh viện khi chúng bị ốm. Năm 2019, ông này đột ngột thông báo đóng cửa nhà thờ, rút lui vào rừng Shakahola. Ông ta mời tín đồ mua những mảnh đất nhỏ trên khu đất mà ông ta nói sẽ là một “Thánh địa mới”. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ở Kenya vào năm 2020 đã khiến khu vực này thêm sức hấp dẫn bởi nó chứng minh cho thông điệp “thế giới sắp kết thúc”.
Một báo cáo của Ủy ban Thượng viện Kenya cho biết, Mackenzie đã khuyến khích các thành viên nhà thờ chuyển đến rừng Shakahola để chuẩn bị cho ngày tận thế. Ông chọn khu vực rừng Shakahola vì nó nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh. Báo cáo cho biết: “Khi đã vào trong những ngôi làng do Mackenzie thành lập, tín đồ không được phép rời khỏi khu vực cũng như không được tương tác với nhau. Họ còn được yêu cầu tiêu hủy các tài liệu quan trọng, trong đó có căn cước, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận học tập và giấy đăng ký kết hôn”.
Các công tố viên cho rằng, cho tới nay, việc xét xử vụ án bị chậm trễ là do khó khăn về xác định vị trí, khai quật và khám nghiệm tử thi. Hiện thi thể của 180 trong số 191 trẻ em thiệt mạng vẫn chưa được xác định danh tính. Phía cơ quan công tố đã đề nghị tòa án ở Kilifi gia hạn lệnh tạm giam các đối tượng thêm 60 ngày nhưng tuần trước, Thẩm phán Yousuf Shikanda đã từ chối đề nghị, nói rằng các công tố viên đã có đủ thời gian để hoàn tất cuộc điều tra.
Theo cơ quan công tố, họ sẽ buộc tội tổng cộng 95 người về tội giết người, ngộ sát, khủng bố và tra tấn. Một luật sư của Mackenzie, người đã bị giam giữ kể từ khi cảnh sát bắt đầu khai quật thi thể trong rừng, cho biết vị mục sư tự phong hợp tác với cơ quan điều tra. Trong phiên điều trần hôm 17-1, Mackenzie mặc chiếc áo sơ mi polo sọc trắng xanh, hầu như không biểu lộ cảm xúc gì bên cạnh các bị cáo trong phòng xử án.
Vào tháng 12-2023, ông ta bị kết án 12 tháng tù trong một vụ án riêng khác với tội danh sản xuất và phân phối phim trái phép. Thủ lĩnh giáo phái trước đó đã bị bắt vào năm 2019, cũng liên quan đến cái chết của trẻ em, nhưng được tại ngoại.
AP/Reuters
Theo Yên Vũ (An Ninh Thủ Đô)