Thủ đoạn rửa 3 tỷ USD tiền số của Nguyễn Minh Quốc

17/03/2023 08:11:57

Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ FBI vừa phát lệnh truy nã với Nguyễn Minh Quốc - 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam với hành vi rửa tiền số, đánh cắp danh tính.

Ngày 15/3 vừa rồi, Reuters dẫn báo cáo của Cơ quan Hợp tác thực thi pháp luật - Liên minh châu Âu (Europol) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, trang web chuyên rửa tiền điện tử ChipMixer đã bị đánh sập.

Nhà chức trách đã thu giữ 1.909,4 Bitcoin - loại tiền điện tử có giá trị nhất hiện nay. Theo báo cáo của Europol, ChipMixer được cho là có liên quan tới hành vi "trộn tiền mã hóa", giúp tội phạm rửa tiền.

Thông tin truy nã trên trang Web của FBI ghi rõ, Nguyễn Minh Quốc bị truy nã vì tham gia trực tiếp vào việc rửa tiền và đánh cắp danh tính bằng dịch vụ của ChipMixer. Phần lớn số tiền này có liên quan trực tiếp đến những tội phạm dùng mã độc để tấn công, tống tiền người dùng.

Thủ đoạn rửa 3 tỷ USD tiền số của Nguyễn Minh Quốc
 Thông tin truy nã trên trang web chính thức của FBI. Ảnh: FBI.

Nguyễn Minh Quốc được cho là người đã tạo ra và trực tiếp điều hành cơ sở hạ tầng của ChipMixer - một công cụ trộn tiền mã hóa bất hợp pháp. Đối tượng thậm chí còn quảng cáo rầm rộ công cụ của mình trên các trang mạng xã hội ở nước ngoài, để thu hút người sử dụng.

"Trộn" tiền mã hóa để làm gì?

Europol mô tả ChipMixer là "một trong những máy trộn tiền số lớn nhất" hiện nay. Với đặc tính công khai trên Blockchain như một cuốn "sổ cái" khổng lồ, Bitcoin nói riêng hay Tiền điện tử nói chung - có thể coi là thứ rất khó có thể "ăn cắp" được, ngay cả với những tin tặc hàng đầu thế giới.

Với khả năng công khai thông tin trên Blockchain, mọi đồng tiền điện tử "bẩn" sẽ đều bị truy vết và đánh dấu. Khi đó, sẽ không thể bán được những đồng tiền "dính chàm" này cho người khác hoặc cho các sàn giao dịch để quy ra tiền mặt.

Dịch vụ "trộn" tiền mã hóa được ra đời để biến những đồng tiền "dính chàm" thành "tiền sạch", từ đó kẻ xấu có thể dễ dàng giao dịch công khai mà không sợ bị truy vết.

Làm cách nào để "rửa" tiền mã hóa?

Theo trang web LiveDark*** thì ChipMixer đã ra đời từ năm 2017, đây là trang web "trộn" tiền điện tử được đánh giá là "uy tín và hiệu quả". Mỗi lần sử dụng, đối tượng có thể "trộn" cùng lúc tới 60 Bitcoin - tương đương với khoảng 1,4 triệu USD theo tỷ giá hiện tại. Thời gian để "trộn" số tiền điện tử này là 7 ngày.

Để có thể "trộn" tiền bẩn thành tiền "sạch", các đối tượng này cần một lượng lớn Bitcoin "sạch" từ những người dùng bình thường khác trên toàn cầu. Đây chính là lý do ChipMixer đã chi mạnh tay cho quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội thời gian vừa qua - để thu hút tiền điện tử "sạch" nhằm phục vụ cho mục đích rửa tiền.

Về mặt lý thuyết, tiền điện tử dù có được "trộn" tới mức nào, cũng không thể hết được dấu vết ban đầu. Tuy nhiên sau khi được "trộn", nhất là với thời gian 7 ngày, việc truy vết theo những đồng tiền điện tử này là cực kỳ khó khăn. Tốc độ xử lý một giao dịch của Bitcoin trung bình vào khoảng 70 phút, trong thời gian 7 ngày, số "tiền bẩn" được các đội tượng đưa vào "máy trộn" có thể đã giao dịch qua hàng trăm địa chỉ ví điện tử khác nhau, thậm chí là xẻ nhỏ rồi gộp lại hàng trăm lần liên tục, khiến việc truy vết là gần như bất khả thi.

Reuters cho biết, "khách hàng" sử dụng dịch vụ của ChipMixer thường là những nhóm tin tặc đình đám - những kẻ có doanh thu khổng lồ từ việc tống tiền người dùng qua mạng, từ đó phát sinh nhu cầu rửa tiền với số lượng lớn. Ngoài ra, cũng có không ít người dùng bình thường, sử dụng dịch vụ của ChipMixer để tăng tính ẩn danh cho dòng tiền của mình - điều này khiến việc điều tra và phân loại của cơ quan chức năng là hết sức khó khăn.

Năm 2019, ChipMixer cũng từng bị các cơ quan hành pháp của Mỹ chú ý khi góp sức vào việc rửa ít nhất 4800 Bitcoin do tin tặc đánh cắp từ một sàn giao dịch tập trung.

Quy định về tiền điện tử tại Việt Nam

Tiền ảo không được xem là tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này, tài sản chỉ tồn tại ở 4 dạng: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tại Việt Nam, tiền ảo không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và xử lý theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Theo Trần Trân (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật