Với những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục, Triều Tiên vừa làm "mất mặt" vừa đặt Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trước một đồng minh khó đoán và đầy khiêu khích.
Chỉ ít giờ trước khi Chủ tịch Tập đọc bài phát biểu được soạn thảo chỉn chu của ông, Triều Tiên tuyên bố vụ thử đã "thành công hoàn hảo", đánh dấu cột mốc "đầy ý nghĩa" trong hoàn thiện chương trình hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á.
Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo từ Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc tại Hạ Môn phút chốc bị lu mờ trước tin tức về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Câu chuyện về triển vọng hợp tác của những nền kinh tế đang lên bị bao phủ bởi lo âu và hoang mang về năng lực hạt nhân đã được tăng cường của Bình Nhưỡng.
Tin tức quốc tế trong ngày 3/9 đổ dồn vào vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên và làm lu mờ hội nghị các nước khối BRICS tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Thử hạt nhân 'vì Trung Quốc'
Dẫu vậy, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên chọn lựa cẩn thận ngày tháng để tiến hành các hành động khiêu khích. Hồi tháng 5, vào đúng ngày Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế khai mạc tại Bắc Kinh, Triều Tiên cũng phóng một tên lửa ra Biển Nhật Bản. Dư luận ngay lập tức dịch chuyển sự chú ý khỏi hội nghị được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất năm của Trung Quốc sang các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên.
New York Times dẫn lời các nhà quan sát cho rằng đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Thay vào đó, Bình Nhưỡng chủ tâm chứng tỏ rằng họ, một nước láng giềng nhỏ bé, hoàn toàn có khả năng che lấp sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất chủ đích nhắm vào Chủ tịch Tập Cận Bình chứ không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Kim biết rằng Tập là sức mạnh thật sự có thể ảnh hưởng đến các tính toán của Washington", ông Peter Hayes, Giám đốc Viện nghiên cứu Nautilus chuyên về Triều Tiên, cho biết.
"Ông ấy muốn gây áp lực đến Trung Quốc để buộc họ nói với Trump: 'Các ông phải ngồi xuống với Kim Jong Un'", chuyên gia này nhận định.
Chủ tịch Tập Cận Bình bị đặt vào thế "tiến thoái lưỡng nan" với những hành động khiêu khích từ Triều Tiên, nước láng giềng và là đồng minh lâu năm. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Hayes, điều lãnh đạo Kim muốn nhất là một cuộc đàm phán với Washington và rằng Mỹ sẽ rút bớt quân đóng ở Hàn Quốc cũng như tiếp tục cho họ sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong tính toán của Bình Nhưỡng, Trung Quốc đủ khả năng để thúc đẩy thương lượng đó.
Trong khi một vài chuyên gia Trung Quốc nói rằng Triều Tiên phải trả giá vì hành động khiêu khích đối với Trung Quốc, đồng minh lâu năm và là đối tác thương mại lớn nhất của họ, các chuyên gia cũng không lạc quan về việc vụ thử hạt nhân có thể làm thay đổi quyết tâm của Chủ tịch Tập trong việc đứng ra ngoài và không ra tay để ép Triều Tiên xuống thang căng thẳng.
Một quả bom H được gắn trên đầu đạn tên lửa xuyên lục địa cũng không thể lay chuyển ông Tập, các chuyên gia nhận định.
"Vụ thử hạt nhân thứ 6 có thể khiến Trung Quốc làm gì đó mạnh tay. Đây là một phép thử chính trị. Dù vậy, mọi thứ sẽ không đi về hướng đó", chuyên gia về hạt nhân Cheng Xiaohe của Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) nhận định.
Tiến thoái lưỡng nan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "lên án mạnh mẽ" vụ thử hạt nhân. Dù vậy, ông Cheng vẫn cho rằng một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân vẫn ít nguy hiểm hơn một Triều Tiên sụp đổ về mặt chính trị. Khi đó, bán đảo Triều Tiên sẽ được thống nhất và nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc. Chính vì vậy, quả bom H vừa được thử của Triều Tiên sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi quan điểm xưa nay.
Các nhà quan sát nhận định biện pháp trừng phạt của Trung Quốc nhắm đến Triều Tiên sẽ gây tác động lên dân thường nhiều hơn là quân đội. Ảnh: Reuters. |
Các động thái như cắt nguồn cung dầu thô của Triều Tiên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế lạc hậu của nước này.
"Cắt nguồn cung dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp của Triều Tiên, gây mất ổn định thể chế, điều mà cả Trung Quốc lẫn Nga đều lo sợ", New York Times dẫn lời Zhao Tong, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu (Bắc Kinh, Trung Quốc).
Trung Quốc cung cấp đến 80% lượng dầu thô cho Triều Tiên. Hoàn Cầu Thời báo, phụ san của Nhân Dân Nhật báo, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ cắt nguồn cung dầu với Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân lần thứ 6.
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng diễn ra ngay lúc Chủ tịch Tập không "rảnh tay". Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho đại hội đảng vào giữa tháng 10 này và ông Tập sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2.
Bắc Kinh luôn muốn ổn định trong nước vào thời điểm trước những sự kiện quan trọng, vì vậy, ông Zhao nhận định họ sẽ không làm gì từ đây cho đến trước ngày 19/10.
Quan ngại lớn nhất của Bắc Kinh là việc Triều Tiên quay lưng lại với đồng minh lâu năm.
"Trong bối cảnh quan hệ 2 bên đã xuống thấp đến mức lịch sử, nếu bị dồn vào góc, Triều Tiên có thể có hành động quân sự chống lại Trung Quốc", chuyên gia này cho biết.
Khu vực biên giới Trung - Triều. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nghi ngờ việc cắt nguồn cung dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Ông Hayes từ Viện Nautilus, tổ chức chuyên nghiêp cứu về nhu cầu năng lượng của Triều Tiên, nói rằng việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dân thường khi thực phẩm khó ra đến chợ hay việc đi lại bị ảnh hưởng, nhưng quân đội thì có nguồn dự trữ dầu đủ dùng cho ít nhất 1 năm thời bình.
Ngoài ra, một nỗi lo khác của chính phủ Trung Quốc là những cư dân sinh sống ở khu vực biên giới với Triều Tiên có thể bị nhiễm độc hạt nhân. Khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên cách không xa biên giới với Trung Quốc.
Nhiều người dân ở tỉnh Cát Lâm sát biên giới nói rằng họ cảm thấy nhà mình rung chuyển sau vụ thử hạt nhân.
Theo Reuters, cho đến ngày 4/9, chính phủ Trung Quốc thông báo không phát hiện thấy vật liệu phóng xạ hay ảnh hưởng môi trường nào từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đối với khu vực biên giới Trung Quốc.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)